Thiếu nữ miền Tây bị bà ngoại và mẹ đẻ bán sang Trung Quốc với số tiền là một cây vàng cùng 150 triệu đồng tiền mặt.
Câu chuyện của cháu T.K.A (13 tuổi, quê Kiên Giang) khi trình báo Công an tỉnh Cao Bằng khiến nhiều người xót xa.
Vào tháng 10/2023, khi được các lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả về Việt Nam tại khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng, cháu A đã trình báo việc bản thân bị chính bà ngoại và mẹ đẻ bán để làm vợ một người ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Ngay sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng vào cuộc xác minh rồi khởi tố vụ án, khởi tố 4 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Lài (28 tuổi, quê Kiên Giang); Trần Thị Lợi (67 tuổi, quê Cần Thơ); Lê Thị Mỹ Hạnh (39 tuổi, quê Cần Thơ); Triệu Thành Long (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) về hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi.
Chân dung 3 đối tượng bị khởi tố với tội danh mua bán người dưới 16 tuổi.
Bi kịch của cháu A bắt nguồn từ tháng 5/2023, khi Nguyễn Thị Lài từ Trung Quốc về Việt Nam (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Trong thời gian này, Lài mời Triệu Thành Long sang Việt Nam chơi, đồng thời đề cập việc tìm vợ Việt Nam cho Long và được người đàn ông này đồng ý.
Ba tháng sau, Long nhập cảnh vào Việt Nam và đến ở nhà Lài. Sau đó, Lài đưa Long đến nhà bà Trần Thị Lợi và Lê Thị Mỹ Hạnh (mẹ đẻ của cháu A) ở TP Cần Thơ chơi. Tại đây, Lài giới thiệu Long rất giàu có và đang có ý định tìm vợ người Việt Nam.
Thông qua Lài, bà Lợi và Hạnh đồng ý gả cháu A. cho Long với sính lễ là 150 triệu đồng và 1 cây vàng. Lài nói với Long là cần phải chi số tiền 13,9 vạn Nhân dân tệ mới lấy được cháu A.
Long đã chuyển toàn bộ số tiền này cho Lài. Sau đó, Lài đã đưa 1 cây vàng và 100 triệu đồng cho gia đình bà Lợi, rồi hứa sẽ trả nốt 50 triệu còn lại khi cháu A sang Trung Quốc.
Khi biết mình sắp phải gả cho Long, cháu A không đồng ý, yêu cầu bà ngoại và mẹ trả lại tiền. Lúc này, bà Lợi và Hạnh đe dọa sẽ uống thuốc sâu tự tử để ép buộc cháu.
Sau đó, Long trở về Trung Quốc bằng đường hàng không, còn Lài thuê người đưa cháu A xuất cảnh trái phép bằng đường tiểu ngạch, khi đang di chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Nghe tin, Long yêu cầu lấy lại tiền nhưng bà Lợi, Hạnh và Lài đã sử dụng hết số tiền này nên Lài hứa sẽ tìm một người phụ nữ khác cho Long...
Cuối tháng 2/2024, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 4 đối tượng nêu trên.
Cảnh báo thủ đoạn mua bán người
Trước những thủ đoạn khó lường của tội phạm mua bán người, Công an tỉnh Cao Bằng cảnh báo, người dân cần cảnh giác với lời quảng cáo tuyển người làm việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội Facebook, Zalo, bởi vì đó có thể là bẫy của tội phạm giăng ra, chờ người cả tin mắc câu.
Lễ phát động tháng hành động phòng chống mua bán người của Công an tỉnh và Văn phòng Bộ Công an tổ chức năm 2023.
Đồng thời đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, bảo đảm bình yên cho xã hội.
Thống kê của Công an tỉnh Cao Bằng cho thấy, điểm chung trong các vụ án mua bán người là tội phạm đã dụ dỗ, rủ rê các nạn nhân với lời mời đi làm ăn xa, thu nhập cao. Nạn nhân thường bị “nhắm” đến là thanh thiếu niên mới lớn, cả tin, người ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết, đã tin tưởng và đi theo các đối tượng.
(theo Vietnamnet)