Người dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ

Gia đình ông Đổng Phước Đức sinh sống, canh tác ổn định, không tranh chấp. Thế nhưng đến nay, họ vẫn mỏi mòn chờ được cấp quyền sử dụng đất.

Sau nhiều năm không sử dụng, phần đất gia đình ông Khoái cho mượn đã hoang hóa.

Nhiều tổ chức cá nhân được cấp giấy chứng nhận

Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về vụ việc “Bà Rịa – Vũng Tàu: Đất bố mẹ để lại nhưng hơn 30 năm không cấp giấy đỏ cho con” phản ánh trường hợp đất đang canh tác, bị các đơn vị nhà nước mượn một phần, phần còn lại xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận - Sổ đỏ) hơn 30 năm không được, phần cho mượn làm đơn xin trả lại nhưng chưa được giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Tạ Duy Chinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Vũng Tàu (Chi nhánh Vũng Tàu) thông tin: Trong hai năm 2022 và 2023, Chi nhánh Vũng Tàu đã hai lần tiếp nhận hồ sơ đề nghị đo vẽ, trích lục vị trí đất và ký hợp đồng đo đạc hiện trạng thửa đất theo yêu cầu của ông Đổng Phước Đức (thửa đất hiện nằm tại đường Hoa Lư, phường 12, TP.Vũng Tàu). Tuy nhiên, sau khi đo đạc thực địa, lồng ghép với hồ sơ địa chính đang lưu trữ và quản lý sử dụng tại Chi nhánh Vũng Tàu thì nhận thấy ranh thửa đất của ông Đổng Phước Đức có chồng lấn lên đất của Trại giam Phước Cơ (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trường quân sự (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và trên đất có một số hộ dân đang sinh sống.

Theo một báo cáo của Chi nhánh Vũng Tàu, trên thửa đất ông Đức đề nghị đo vẽ, trích lục, ngoài phần đất Trại giam Phước Cơ - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (được cấp giấy chứng nhận năm 2001), Trường quân sự - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cấp giấy chứng nhận 2002) còn có phần đất của Công ty Cổ phần Thương cảng Vũng Tàu (cấp năm 2005). Đặc biệt, có 2 cá nhân cũng đã được cấp Giấy chứng nhận trên phần đất ông Đức đề nghị đo vẽ tên Nguyễn Vũ Hưng và Phạm Văn Tư (cấp năm 2014) với diện tích hơn 11,5 hecta.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc và quy trình cấp giấy chứng nhận cho ông Hưng và ông Tư, ông Tạ Duy Chinh cho biết, thời điểm cấp sổ lần đầu cho ông Hưng và ông Tư vào năm 2014, lúc đó, việc xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc trách nhiệm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng Tài nguyên – môi trường TP Vũng Tàu) và UBND TP Vũng Tàu. Do vậy, hiện tại ông Chinh không nắm được quy trình xét và cấp giấy chứng nhận thời điểm đó. Tuy nhiên, theo ông Chinh, quy trình xét cấp cũng không khác hiện nay: phải được các hộ tứ cận ký giáp ranh.

Bên cạnh 4 tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận như đã nêu (từ năm 2001 - 2014), hiện tại, theo Chi nhánh Vũng Tàu, còn 6 hộ dân đã nộp hồ sơ lên Chi nhánh Vũng Tàu đề nghị cấp giấy chứng nhận. Điều đáng nói, phần đất 6 hộ dân đang đề nghị cấp giấy chứng nhận có tổng diện tích hơn 12 hecta và chồng lấn lên phần đất của ông Đổng Phước Đức. Trong 6 hộ dân trên, tiếp tục có tên hồ sơ của hai ông Nguyễn Vũ Hưng và Phạm Văn Tư (người đã được cấp giấy chứng nhận năm 2014 với diện tích hơn 11,5 hecta).

Đối với 6 bộ hồ sơ đã nộp tại Chi nhánh Vũng Tàu để xin cấp giấy chứng nhận lần đầu, theo ông Tạ Duy Chinh, lúc đo đạc thực địa thì không gặp trở ngại. Tuy nhiên 6 hồ sơ trên cũng không ký được giáp ranh tứ cận nên ông Chinh cho biết “Chi nhánh Vũng Tàu cũng sẽ trả 6 hồ sơ trên và thanh lý hợp đồng với các hộ dân”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, nguyên nhân của việc đo đạc bất thành là đất bị chồng lấn. Ông đề nghị Chi nhánh Vũng Tàu hướng dẫn gia đình ông Đổng Phước Đức liên hệ với UBND TP Vũng Tàu để làm rõ ranh giới đất và phần đất bị chồng lấn với các tổ chức, cá nhân khác.

Người nhà của ông Đức đang chỉ ranh mốc thửa đất của gia đình.

Xin trả đất chưa được...

Theo đơn trình bày của ông Đổng Phước Đức, ông là đại diện cho 6 người thừa kế là con của ông Đổng Văn Khoái, bà Hứa Thị Khuấn (cả hai đã mất). Năm 1965, cha mẹ ông nhận chuyển nhượng 6,65 ha đất của ông Tăng Văn Sâm, đồng thời khai hoang thêm 20 ha. Những năm đó, bố mẹ ông Đức sinh sống, canh tác và liên tục đóng thuế sử dụng đất. Các biên lai nộp thuế qua các năm gia đình ông vẫn còn lưu giữ.

Từ năm 1978 đến năm 1989, Công ty thực phẩm thuộc Sở Thương nghiệp (thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) mượn  bố mẹ ông 1,18ha làm trại giết mổ heo. Nội dung mượn đất của gia đình ông cũng đã được lãnh đạo Công ty thực phẩm xác nhận bằng văn bản sau khi mượn đất.

Cụ thể, ông Lê Văn Ngạn Phó Giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản của công ty viết “Tôi xác nhận Công ty thực phẩm đã nhận và sử dụng 11.800m2 đất của ông Đổng Văn Khoái tại thôn Phước Cơ, phường Phước Thắng, nay là phường 11 thành phố Vũng Tàu theo yêu cầu của UBND Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để xây dựng trại heo Phước Cơ”.

Bản xác nhận này năm 1993 đã được Phó Chủ tịch UBND phường 11, TP Vũng Tàu xác nhận và đóng dấu đỏ với nội dung “Ông Đổng Văn Khoái thường trú tại địa phương, được quyền sử dụng đất của đương sự, lô đất tọa lạc tại Phước Cơ, hiện nay Trường quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng. Kính chuyển Ban quản lý đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét giải quyết”.

Cũng trong thời gian này, Công an Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo cũng mượn của gia đình ông 3ha để làm trại giam đối tượng vượt biên. Diện tích đất Công an Đặc khu mượn có trồng cây trái, hoa màu, gia đình ông Đức cũng được đơn vị này hứa hẹn khi nào có đất mới sẽ trả lại đất cho gia đình ông.

Đến năm 1993, do hoàn cảnh gia đình đông anh em nên ông Đức đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Ninh để xin trả lại đất. Sau khi gửi đơn, gia đình ông Đức nhận được câu trả lời từ ông Ninh: phải chờ các đơn vị trên tìm được nơi khác để di dời thì mới giải quyết trả lại đất cho gia đình ông. Những năm tiếp theo, gia đình ông Đức tiếp tục gửi đơn đi nhiều nơi kêu cứu trả lại đất nhưng chính quyền vẫn trả lời chưa tìm được đất để các đơn vị trên di dời.

Khi những đơn vị này chuyển đi, gia đình ông Đức tiếp tục gửi đơn kiến nghị mong được cấp quyền sử dụng đất. Thế nhưng nguyện vọng chính đáng trên của gia đình ông Đức không được các cơ quan chức năng giải quyết.

Hiện tại, phía cổng cũ của trại giam được chính quyền đóng một tấm bảng thông báo “Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Trung tâm quản lý và phát triển nhà ở. Cơ sở nhà, đất do Nhà nước quản lý”. Theo bà Đổng Ngọc Vân (con gái ông Khoái), trại giam và Trường quân sự chuyển đi nơi khác và diện tích đất trên vẫn để hoang, chưa sử dụng vào mục đích nào.

... Xin cấp giấy chứng nhận không xong

Đồng thời trong thời gian này, gia đình ông cũng làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần đất hơn 20ha còn lại. Tuy nhiên, hành trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận của gia đình ông Đức cũng không hề suôn sẻ.

Sau khi ký hợp đồng, Chi nhánh Vũng Tàu có cử 2 cán bộ về đo vẽ. Tại đây, họ đưa ra tờ bản đồ có 5 hộ và nói là 5 hộ này đã có danh sách trên đất của gia đình ông. Không lâu sau, gia đình ông Đức tiếp tục đến đến Chi nhánh Vũng Tàu để làm hợp đồng đo vẽ thì bị từ chối với lý do là đất này bị chồng lấn?

Vụ việc được UBND TP Vũng Tàu giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tìm hiểu và xử lý ban đầu, phòng đã chỉ đạo đo vẽ đất. Theo UBND phường 12, TP Vũng Tàu, giải thích là gia đình ông Đức chưa xác định rõ ranh mốc, vị trí của thửa đất. Nhiều vị trí đã cấp giấy chứng nhận cho người khác hoặc thuộc phần đất do nhà nước quản lý. Do vậy cán bộ đo đạc của Chi nhánh Vũng Tàu cùng với phường khi lên đo đất đã không thống nhất ranh giới với gia đình ông Đức nên không tiến hành đo đạc.

Tuy nhiên, phía gia đình ông Đức, bà Vân khẳng định không hề có sự việc ranh mốc không rõ ràng. Trên thửa đất gia đình xin cấp giấy chứng nhận không thấy có một căn nhà nào của người khác đã xây dựng và gia đình bà Vân, ông Đức khẳng định khi xác định lại ranh mốc cũng không hề có mâu thuẫn hay chồng lấn ranh với các hộ xung quanh.

Đồng thời, gia đình bà Vân ông Đức đã cung cấp nhiều văn bản, tài liệu đo vẽ đất của gia đình trước đây (do ông Khoái đứng tên) do các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu và chế độ cũ đã lập cho gia đình ông Khoái. Đáng chú ý là Bản đồ hiện trạng năm 1993 của gia đình ông Khoái, cán bộ đo vẽ lúc đó tên Vệ Hiệp đã ký. Trên Bản đồ hiện trạng ghi rõ mốc giới, tọa độ phần đất của gia đình.

Chủ sử dụng đất từ 60 năm trước đến nay vẫn không thể làm được giấy chứng nhận QSDĐ trên chính mảnh đất của mình, ngược lại, nhiều tổ chức cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận hoặc được đo vẽ, làm hồ sơ xét cấp hàng chục hecta. Để làm rõ quy trình cấp giấy chứng nhận của thửa đất trên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã tiếp tục liên hệ với UBND phường 12 và UBND TP Vũng Tàu để tìm hiểu tiếp vụ việc trên.

   

(theo Pháp luật Việt Nam)