Thuê hoặc mượn bằng lái xe người khác để "thế thân" khi ô tô dính phạt nguội xuất hiện nhiều khi mua xe cũ hoặc chủ xe không muốn bị giữ bằng lái xe.
Dịp cận tết Nguyên đán 2024, nhiều người phát hiện ra ô tô đang dính phạt nguội và phải thuê hoặc mượn giấy phép lái xe (GPLX) của người khác để “thế thân”.
Mua ô tô cũ dễ dính phạt nguội
Anh Phạm Thành, Giám đốc Kinh doanh của Thái Công Auto, cho biết salon của anh gặp khá nhiều trường hợp mua xe nhưng không “check” phạt nguội, sau đó khi đưa xe đi đăng ký sang tên cho khách hàng thì không thể được vì còn nhiều lỗi vi phạm giao thông đang “treo” trên hệ thống.
“Nhiều khi lỗi mạng chúng tôi check trên một số website của cả Cục CSGT cũng không thấy thông tin phạt nguội, trong khi giao dịch với người bán xe phải hoàn thành ngay lúc đó”- anh Thành cho hay.
Các salon kinh doanh xe cũ gặp khó khăn khi mua phải ô tô dính phạt nguội. (Ảnh minh họa: TN)
Theo anh Thành, vấn đề này khiến cho salon và khách hàng đều gặp khó khăn, vì khách hàng mới đi sang tên không được, liên hệ chủ cũ của xe thì họ không giải quyết.
“Với mức phạt nhỏ từ 1-5 triệu đồng thì chúng tôi sẽ đóng, nhưng khó khăn ở đây là ô tô dừng, đỗ xe sai hay xe chạy quá tốc độ đều bị xử phạt bổ sung là tước GPLX. Như thế thì lấy GPLX của ai để nộp phạt”- anh Thành đặt vấn đề.
Anh Thành cho biết hiện Thái Công Auto đang “dính” 4 xe, một số lỗi như đỗ ở làn khẩn cấp trên cao tốc, dừng đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ với mức phạt là 10 triệu đồng và giữ GPLX.
“Khách hàng mua xe chỉ biết yêu cầu salon giải quyết trong khi đó chúng tôi không thể giải quyết được với người bán xe, nên khá nan giải khi gặp các trường hợp này. Nhiều xe chúng tôi đã phải đóng tiền và lấy GPLX của nhân viên để đóng phạt”- anh Thành chia sẻ thêm.
Anh Thành cũng cho biết hiện nay trên thị trường cũng rầm rộ việc cho thuê GPLX với giá thuê từ 3-5 triệu đồng/tháng, tùy từng khu vực.
Ngược lại với trường hợp ở trên, anh Nguyễn Minh Quang, một người kinh doanh xe cũ có kinh nghiệm khá nhiều trong các trường hợp phạt nguội giữa chủ xe cũ và xe mới. Anh Quang giải quyết bằng cách nêu rõ điều khoản này trong hợp đồng để ràng buộc giữa các bên.
Anh Quang kể lại vừa qua anh đến CSGT tỉnh Bình Thuận để giải quyết vấn đề phạt nguội cho xe 51K-048.XX với 2 lỗi vi phạm khi anh tra trên hệ thống nhưng khi đến cơ quan Công an thì xuất hiện 4 lỗi.
“Tôi được CSGT tỉnh Bình Thuận thông báo là 4 lỗi vi phạm và tổng số tiền phải nộp phạt lên đến 20 triệu đồng. Khách hàng phải trả số tiền này vì trong hợp đồng mua bán xe có điều khoản về phạt nguội, chứ tôi không thể bỏ số tiền lớn như vậy để nộp phạt”- anh Quang cho hay.
Thuê bằng để nộp “thế thân” có hợp pháp?
Khảo sát của PV dịch vụ cho thuê GPLX càng rầm rộ dịp cận tết Nguyên đán, vì nhiều người muốn đăng kiểm xe thì phải “xử lý” xong phạt nguội mới có xe để đi lại dịp tết.
Một số nhóm mạng xã hội liên tiếp nhiều bài đăng giữa người thuê và cho thuê GPLX và dịch vụ này có nhiều người quan tâm với giá thuê GPLX là 5 triệu đồng/tháng.
Theo LS, thuê hoặc mượn GPLX của người khác để nộp phạt là không đúng quy định. Ảnh: TN
Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn LS TP.HCM cho biết pháp luật hiện hành không nêu rõ khái niệm về phạt nguội, tuy nhiên tham chiếu các quy định liên quan, có thể hiểu phạt nguội là một hình thức xử lý vi phạm giao thông sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định.
“Người vi phạm sẽ không bị xử lý ngay khi có hành vi vi phạm mà hình ảnh của vụ vi phạm ấy sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý. Hình thức phạt nguội được triển khai như các hình thức phạt khác”- LS Mạch cho hay.
Theo LS, căn cứ Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm mà có bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hay không?
Một trong những bài đăng về dịch vụ thuê bằng lái trên MXH.
Liên quan đến cơ chế phạt nguội trong vi phạm giao thông, Thông tư số 51/2022 của Bộ GTVT, Thông tư số 15/2022, Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an có quy định cụ thể như sau:
Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông: CSGT phát hiện vi phạm thông qua thiết bị ghi hình các xe trên đường, qua hệ thống giám sát tự động hoặc từ các thiết bị khác.
Bước 2: Kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm giao thông: Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm.
Bước 3: Thông báo cho người điểu khiển phương tiện vi phạm.
Bước 4: Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm
Bước 5: Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ.
Như vậy, việc xác minh ai là người điều khiển phương tiện khi vi phạm dựa trên hình ảnh ghi được thông qua thiết bị ghi hình và việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu được từ hệ thống camera quan sát, nhận dạng với độ chính xác cao.
Do đó, nếu người vi phạm thuê/mượn GPLX của người khác để nộp cho CSGT và tiếp tục sử dụng GPLX của mình để tiếp tục tham gia lưu thông là không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chế tài xử lý hành vi trên vẫn chưa được dự liệu trong văn bản quy phạm pháp luật, và do đó, không có cơ chế xử lý vi phạm.
“Vướng mắc này xuất phát từ thực tế áp dụng cơ chế phạt nguội, theo đó, trong trường hợp thiết bị ghi hình chỉ quay được biển số xe, hoặc người điều khiển phương tiện giao thông mang khẩu trang thì khó để xác định được ai đang điều khiển phương tiện”- LS Mạch nhận định.
Cũng theo LS Mạch, trường hợp, xác minh được người điều khiển phương tiện cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt, thì theo Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sau khi vi phạm mà có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm là tình tiết tăng nặng và bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính./.
(theo PLO)