Chiều 23-7, thông tin từ Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phát hiện hai vụ vận chuyển cà phê bột giả từ TP.HCM, Đồng Nai đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Lực lượng công an kiểm tra cơ sở nghi sản xuất cà phê giả. Ảnh: AX |
Trước đó, ngày 19-7, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra ô tô do Lê Văn Khoa (33 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) điều khiển trên Quốc lộ 26 hướng từ huyện Ea Kar về TP Buôn Ma Thuột.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có chở khoảng 1,2 tấn cà phê bột, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Qua kiểm tra nhanh, cơ quan công an xác định toàn bộ số cà phê trên nghi là hàng giả (tỷ lệ có cà phê rất ít và trộn rất nhiều tạp chất).
Từ số cà phê giả trên, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định cơ sở sản xuất cà phê Trọng Tín (địa chỉ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã sản xuất số cà phê này và cho nhân viên chở đi các tỉnh: Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Nông, Ninh Thuận… để tiêu thụ.
Tại cơ sở này, cơ quan chức năng thu giữ 9 kg cà phê bột, tám bao nguyên liệu sản xuất cà phê, tám thùng vỏ bao bì và toàn bộ máy móc sản xuất cà phê.
Tiếp đến, ngày 20-7, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện Ngô Công Sơn (36 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển ô tô chở theo nhân viên của Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ (TP. HCM) đang bán 120 gói cà phê bột không có hóa đơn chứng từ cho một phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Năng (Đắk Lắk).
Trên xe, công an phát hiện có 620kg cà phê bột nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Cơ quan chức năng cũng xác định, số cà phê này nghi là hàng giả.
Từ vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp khám xét tại cơ sở sản xuất cà phê Nhật Nguyên (huyện Bình Chánh, TP. HCM). Qua đó, thu giữ khoảng 6 tấn cà phê bột, nguyên liệu sản xuất cà phê, vỏ bao bì và toàn bộ máy móc phục vụ việc sản xuất cà phê bột.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục làm rõ.
Vũ Hội/PLO