Đi thuyền thúng trên dòng Thu Bồn

 Trời ngả về chiều, mặt nước long lanh ánh bạc. Tôi đứng bên bờ sông chờ chiếc thuyền thúng.
Ông lái khẽ khua mái chèo cho sát vào cầu gỗ rồi giơ tay đỡ tôi xuống. Chất giọng Quảng Nam nặng trịch: “Cậu ngồi chắc, đi nhớ!”. Gắng nghe hai lần tôi mới hiểu, liền đáp: “Dạ chú!”. Câu chuyện bắt đầu xuôi theo dòng nước Thu Bồn. Con sông luồn lách uốn mình qua rừng dừa Bảy Mẫu. Đi men theo những tán dừa vút cao xào xạc trong gió, tôi tưởng như đang lênh đênh giữa vùng sông nước miền Tây.
Theo lời kể của ông lái, nơi đây được gọi là Bảy Mẫu vì rừng dừa này có diện tích khoảng 7 mẫu, thuộc địa phận xã Cẩm Thanh, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), cách trung tâm phố cổ hơn 3km về phía Đông Nam. Ông lái tên Nguyễn Văn Lượm, ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh. Tuổi ông đã ngoại ngũ tuần. Nước da ngăm đen. Ông đội chiếc mũ lưỡi trai bé bằng đôi bàn tay không đủ che khuôn mặt rám nắng.
Với những người quê ông cả đời gắn bó với sông nước nên việc dãi nắng dầm mưa là chuyện thường ngày. Con sông Thu Bồn len lỏi giữa rừng dừa xanh ngút ngàn. Nơi dòng nước cuối nguồn đổ ra biển. Bao thế hệ đã lớn lên trên dòng sông quê hương. Ông Lượm cũng vậy, nhỏ thì câu cá, bắt cua, lớn lên thì theo cha, chú vươn khơi bám biển. Khi luống tuổi, ông Lượm không đi đánh bắt xa bờ nữa.
Nhất là từ khi có điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu, ông chuyển sang nghề chèo thuyền thúng phục vụ khách du lịch. Ông Lượm tự sắm thuyền thúng hết gần chục triệu đồng, xin cấp biển số rồi đăng ký làm với cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thuyền thúng Đỗ Cẩm.
Ngày đông khách thì 7-8 lượt, ngày thưa cũng khoảng dăm, ba chuyến. Cả đi và về hành trình hết gần một giờ đồng hồ. Mỗi tháng, ông được hưởng 4,5 triệu đồng. “Tui chỉ mong có sức khỏe mà đi thuyền thôi. Chớ nghỉ bữa nào là trừ công bữa đó”, ông nói như thể thanh minh cho cái nghề lênh đênh sông nước. Đôi bàn tay ông Lượm rắn chắc khẽ khua mái chèo đưa thuyền thúng luồn qua những rặng rừa mướt mát xanh. Tiếng khua nước bì bọp, tiếng người í ới gọi nhau.
Toàn bà con cùng quê, khi vui ghé sát vành thuyền chạm nhau kêu “kịch” một cái. Cứ thế tiếng cười vang lên ấm cả khúc sông quê... Dọc đường đi, khách được thưởng thức ca hát, múa thuyền, trình diễn quăng chài đánh cá. Khi trở về, giọng ông vẫn đều đều kể về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện dòng sông quê hương. Vợ ông cũng làm nghề chèo thuyền thúng trên sông Thu Bồn. Con ông thì bán hàng nơi bến đỗ. Mỗi chuyến chở khách ông lại có thêm thu nhập. Nghề chèo thuyền du lịch tuy vất vả nhưng cũng có niềm vui riêng.
Ấy là khi chở khách trên sông, ông tự hào giới thiệu về mảnh đất Cẩm Thanh giàu truyền thống cách mạng, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Rừng dừa bên sông trước là căn cứ cách mạng thì nay trở thành địa điểm du lịch. Sông nước là mạch nguồn gắn kết cuộc đời mỗi con người nơi mảnh đất Cẩm Thanh này. Không đánh bắt cá, tôm, họ chuyển sang làm dịch vụ. Âu đó cũng là cách mà ông Lượm cùng bà con nơi đây mưu sinh ổn định cuộc sống và bền bỉ góp sức quảng bá vẻ đẹp quê hương đến với du khách gần xa.
 Bài và ảnh: Thư Ngọc