Đình Lạc Giao nằm ở ngã tư đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ (thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk). Giữa nhịp sống sôi động của thành phố, đình vẫn giữ được không gian yên tĩnh.

Trước năm 1918, ông Phan Hộ, người làng Đại Cát, xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cùng một số người lên trao đổi hàng hóa, làm ăn với người Ê Đê ở Buôn Mê Thuột. Qua giao lưu gặp gỡ, làm ăn với dân làng Ê Đê, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được tình cảm thân thiện. Thấy vùng đất Ban Mê Thuột, rộng rãi, màu mỡ thuận lợi cho việc trồng trọt chăn nuôi, phát triển làm ăn, đến năm 1918, ông Phan Hộ quay về quê hương Khánh Hòa kéo theo hàng chục người anh em, bà con, họ hàng lên khai khẩn, làm ăn, lập nghiệp, lập làng.

Theo truyền thống thờ tự ông, bà tổ tiên của người Kinh, ông Phan Hộ xin chính quyền sở tại lập một cái miếu bằng tranh tre nứa lá, đặt tên là Đình Lạc Giao. Lạc Giao nghĩa là "Giao lưu, buôn bán vui vẻ với người Thượng". Nhà viết sử Đắk Lắk Nguyễn Triệu Miện cho rằng "Lạc Giao nghĩa là những người lưu lạc giao tiếp với nhau tập hợp lại". Hiện nay ở Buôn Mê Thuột còn vài người con cháu của ông Phan Hộ.

Khi dân cư ở dưới xuôi lên đây càng nhiều, Đình Lạc Giao trở thành nơi sinh hoạt Văn hóa - tâm linh, tế lễ của bà con hàng năm vào các ngày 17/1 ÂL là ngày tế Xuân đầu năm (Lễ cầu an đầu năm) và ngày tế Thu (thu hoạch, lễ tạ Thần linh) vào ngày 17/8 ÂL; và ngày tưởng nhớ đồng bào và hơn 100 chiến sĩ hi sinh, tử nạn trong kháng chiến chống Pháp vào ngày 27/10/1945.

Triều đình Nhà Nguyễn sắc phong Đình Lạc Giao thờ vị Thần Hoàng Bản thổ của làng Lạc Giao là Đào Duy Từ - vị khai quốc công thần của Nhà Nguyễn, thờ Cụ Phan Hộ - vị tiền hiền có công khởi xướng xây dựng Đình Lạc Giao và thờ các vị Vua Hùng của dân tộc ta. Đình Lạc Giao nằm ở ngã tư giữa đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Cây đa trước sân đình được trồng từ năm 1990
Trải qua thăng trầm biến cố của lịch sử, bị ngoại xâm ném bom phá hoại, nhưng bà con họ Phan cùng nhân dân bản địa chung sức chung lòng sửa chữa, trùng tu, tôn tạo nên Đình Lạc Giao vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc buổi ban đầu. Ngày 2/3/1990, Bộ Văn hóa đã cáp Bằng công nhận: Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử Quốc gia.

Lễ tế xuân diễn ra tại đình
Sau khi làm việc và xem xét đơn của Chủ tịch Hội đồng họ Phan tỉnh Đắk Lắk đề nghị cho phép họ Phan được tham gia Lễ hội tại Di tích Quốc gia Đình Lạc Giao, ngày 26/6/2023, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã "Đồng ý để Hội đồng họ Phan Đắk Lắk - Đắk Nông tham gia dâng hương các Lễ hội tại Di tích Quốc gia Đình Lạc Giao". Đây là một tin, một dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển không chỉ của họ Phan Đắk Lắk - Đắk Nông, mà còn với bà con họ Phan ở vùng Tây Nguyên và cả nước.
Sau hơn 100 năm, Đình Lạc Giao do tiền nhân Phan Hộ xây dựng là một di tích lịch sử của họ Phan, được bà con họ Phan và dân bản địa thành tâm kính lễ dâng hương hoa, bảo quản giữ gìn, trùng tu, tôn tạo và phát triển, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa - tâm linh của bà con họ Phan và nhân dân địa phương giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
P.H (sưu tầm)