Nhiều chủ tàu than phiền để đăng kiểm được một chiếc tàu phải mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm với du thuyền.
Các công ty đóng tàu tại TP.HCM cho hay họ đang gặp một số vướng mắc khi đăng kiểm phương tiện thủy như ca nô, tàu cao tốc, du thuyền nhỏ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, nhiều dự án bị gián đoạn, mất cơ hội triển khai do thời gian đăng kiểm kéo dài, trong khi lực lượng đăng kiểm viên lại thiếu.
Đơn hàng giảm vì đăng kiểm
Trao đổi với PV, CEO Công ty TNHH Đóng tàu Lưu Gia Lưu Văn Đức cho biết hiện tại lực lượng đăng kiểm viên thiếu dẫn đến thời gian tiếp nhận hồ sơ đến khi bắt tay triển khai các bước kiểm tra, thẩm định kéo dài 3-6 tháng, rất phiền hà và mất thời gian quá lâu. Điều này khiến khách hàng mất cơ hội triển khai các dự án, nhà sản suất trì trệ, hiệu quả sản xuất thấp.
“Các năm trước, mỗi năm công ty xuất xưởng 100 ca nô, hai năm vừa rồi mỗi năm chỉ còn 4-5 ca nô, việc sụt giảm như thế là không thể chấp nhận được” - ông Đức thông tin.
Nhà máy sản xuất du thuyền tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Ngoài ra, các công ty đóng tàu than phiền hiện để được đăng kiểm một phương tiện, sau khi nộp hồ sơ phải chờ cơ quan đăng kiểm bố trí nhân viên mất 5-6 tháng. “Việc chậm trễ này khiến chúng tôi mất khách hàng do thời gian chờ đợi quá lâu” - đại diện một công ty đóng tàu 12 chỗ tại TP Thủ Đức ngán ngẩm nói.
Một nghịch lý khác, với tàu xuất khẩu sẽ không qua các bước đăng kiểm tại Việt Nam, thay vào đó nước sở tại sẽ thực hiện các bước kiểm tra bản vẽ, độ dày thân vỏ và kết cấu khá thoáng. Theo ông Đức, việc tuân thủ quy chuẩn để đảm bảo an toàn luôn đặt lên hàng đầu, đây là việc làm đúng, thế nhưng cùng lô tàu, cùng sêri nhưng cơ quan đăng kiểm cũng buộc phải trình hồ sơ riêng lẻ cho từng tàu khiến thủ tục, bản vẽ, giấy tờ rất nhiều, tăng thêm chi phí.
“Như đối với phương tiện tàu thuyền nhỏ chỉ hoạt động ban ngày, cơ quan đăng kiểm cũng buộc lắp radar, bộ đàm trong khi một số vùng không có trạm tiếp sóng để kết nối dẫn đến tăng chi phí không cần thiết” - ông Đức dẫn chứng.
Từ đó, ông Đức kiến nghị cần đơn giản các thủ tục, quy định trong đăng kiểm; có quy định khu vực khai thác đêm/ngày phù hợp với từng loại tàu thuyền để có yêu cầu lắp đặt thiết bị phù hợp, hạn chế lãng phí không cần thiết.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 100 du thuyền và cả ca nô là 200 chiếc. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề đăng kiểm. Chúng ta chưa có tiêu chuẩn cũng chưa có chỗ nào đăng kiểm, bảo dưỡng du thuyền tại TP.HCM. Tại TP Thủ Đức sắp tới dự kiến sẽ có chỗ đăng kiểm cho du thuyền. Hành lang pháp lý cho ngành du thuyền còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ sản xuất đến vận hành. Cụ thể, từ khi xây dựng nhà máy đến khi du thuyền hạ thủy còn rất nhiều thủ tục, có thuyền nhỏ đóng xong phải mang ra tận Nha Trang đăng kiểm.
Ông PHẠM VĂN VIỆT, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức (TP.HCM)
Tàu hạ thủy cả năm vẫn chưa xong đăng kiểm
Đại diện một hãng đóng du thuyền buồm danh tiếng tại TP.HCM chia sẻ phân khúc du thuyền của hãng chủ yếu xuất khẩu. Hai năm vừa rồi công ty nhận đơn hàng sản xuất du thuyền vỏ nhôm dài 24 m, rộng 12 m cho thị trường Việt Nam với tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường cao. Du thuyền này được kỳ vọng sẽ phục vụ cho hoạt động du lịch nội địa đang được phát triển, thế nhưng tàu đóng xong cả năm vẫn chưa qua cửa đăng kiểm.
Lý do là trước đây cơ quan đăng kiểm phụ trách gần như toàn bộ quy trình đăng kiểm bao gồm cả phần PCCC trên tàu, hiện tại phần PCCC lại do cơ quan PCCC kiểm duyệt. “Đây là yêu cầu bắt buộc và trong thiết kế đặt lên hàng đầu, tuy nhiên do việc chuyển giao này còn mới nên cơ quan PCCC mất thời gian để thẩm định. Đó cũng là một trong những lý do khiến công tác đăng kiểm bị vướng” - vị đại diện hãng chia sẻ.
Từ đó, vị này kiến nghị hoạt động đăng kiểm cần cân đối giữa tàu thuyền cá nhân và thương mại. Kinh nghiệm các nước khá linh động với phương tiện cá nhân và chỉ siết phương tiện thương mại để đảm bảo an toàn khai thác.
Lãnh đạo một công ty đóng tàu composite tại Long An phản ánh: “Quy định đóng tàu tại Việt Nam có nhiều điểm khác so với các nước, do vậy thời gian gần đây cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, trong đó có cơ quan đăng kiểm đang lấy ý kiến từ các cơ sở đóng tàu thuyền trong nước và các công ty nhập khẩu tàu thuyền phục vụ cho hoạt động du lịch, thể thao, giải trí để điều chỉnh phù hợp với thực tế”.
Theo vị giám đốc, chính vì có sự vênh nhau nên cần tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp đóng tàu, người dân đóng tàu thuyền truyền thống ở các vùng miền để đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và phù hợp quy chuẩn chung cho cả nước.
Đại diện cơ sở đóng tàu dẫn chứng vùng sông nước ĐBSCL bao đời vẫn dùng tàu nhỏ truyền thống, vỏ lãi vận chuyển hàng hóa, nếu áp dụng quy chuẩn khắt khe như tàu thuyền thương mại sẽ tăng thêm chi phí cho người dân.
“Đây là ranh giới còn chồng lấn trong hoạt động đăng kiểm đối với tàu thuyền cá nhân mang yếu tố văn hóa vùng miền và hoạt động thương mại mà cơ quan chức năng cần phân định tháo gỡ” - vị đại diện kiến nghị.
Rà soát quy phạm, quy chuẩn du thuyền
Trước nhu cầu các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng du thuyền ngày càng tăng, để chuẩn bị dữ liệu cho việc xây dựng đề án quản lý du thuyền, Cục Hàng hải Việt Nam đang tổ chức đoàn công tác thực địa khảo sát tại các bến du thuyền, bến thủy, bến cảng khách quốc tế tại các tỉnh, TP có hoạt động sản xuất, sử dụng du thuyền sôi động.
Trong đó, đoàn khảo sát sẽ tập trung làm rõ hàng loạt vấn đề như khái niệm du thuyền, rà soát các quy chuẩn, quy phạm (đóng và đăng kiểm); du thuyền có hoạt động thương mại hay không và sức chở, công suất của du thuyền. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đăng ký du thuyền (đăng ký là tàu biển hay phương tiện thủy nội địa, đăng ký là phương tiện VR-SB, đăng ký tàu cao tốc chở khách…); làm rõ quy định về đăng kiểm du thuyền, gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về du thuyền.
Song song đó, đoàn công tác cũng tập trung thống kê số liệu đăng ký du thuyền; giá, phí neo đậu du thuyền tại các bến cảng, bến thủy nội địa, đơn vị tính giá; các văn bản quy phạm pháp luật quy định về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, PCCC. Qua đó có đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động du thuyền.
PV (TH)