Đòi nợ lương, công nhân té ngửa vì người bán căng tin là giám đốc

Khoảng 100 người lao động bị Công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh (quận 12, TP.HCM) cho nghỉ việc nhưng nợ lương tháng 2 và 3 chưa trả.

Công nhân đến trước nhà xưởng Công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh (quận 12), trước đó là nhà xưởng của Công ty TNHH sản xuất thương mại may DV Fashion, yêu cầu trả khoản nợ lương - Ảnh: Người lao động cung cấp

Công nhân lo công ty tẩu tán tài sản

Người lao động cho biết tên nhà xưởng đã đổi ba lần nhưng họ chỉ nghĩ công ty đổi tên chứ không biết công ty cũng đã đổi luôn chủ.

Chị N. (công nhân làm 4 năm nay) nói công ty đổi tên ba lần nhưng công việc vẫn vậy, vẫn được trả lương đều, đầu năm nay mới bắt đầu nợ lương.

"Mọi người đều nghĩ tình hình kinh tế khó khăn nên thông cảm. Tuần trước, công ty đột ngột thông báo bị cắt điện nên cho nghỉ. Nhưng chúng tôi lại nghe công ty đang di dời hết máy móc để đóng cửa nên kéo đến xưởng đòi trả nợ lương.

Khi cơ quan nhà nước đến làm việc, chúng tôi mới biết giám đốc công ty không phải giám đốc cũ mà là người bán nước ở căng tin công ty trước giờ", chị N. nói thêm.

Theo báo cáo nhanh của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, Công ty TNHH sản xuất thương mại Tuấn Vinh hẹn thanh toán tiền lương vào ngày 25-3. Nhưng khi công nhân đến, giám đốc không có mặt mà chỉ có người được ủy quyền đứng ra giải quyết.

Theo đó, công nhân đề nghị công ty thanh toán tiền nợ lương khoảng 1,3 tỉ đồng. Trong đó lương của người quản lý gồm một phần lương tháng 12-2023, lương tháng 1, 2 và 20 ngày công của tháng 3-2024; lương công nhân gồm lương tháng 2 và 20 ngày công của tháng 3-2024.

Tại buổi làm việc, đại diện công ty cho biết đang gặp khó khăn về tài chính và đề nghị người lao động chờ đến 10-4 để tìm đối tác sang xưởng, lấy nguồn tiền thanh toán tiền lương. Trường hợp không sang được xưởng sẽ thanh lý tài sản để trả nợ lương.

Liên hệ với ông Trịnh Xuân Hùng (người nhận ủy quyền đại diện Công ty Tuấn Vinh) vào thời điểm 25-3, ông Hùng cho biết ông phụ trách hành chính - nhân sự. Ông được ủy quyền làm việc với người lao động nhưng ngay sau đó chủ doanh nghiệp đã hủy ủy quyền này.

"Tôi cũng đang bị công ty nợ lương từ cuối năm 2023 đến nay khoảng 100 triệu đồng. Tôi biết công ty đổi chủ nhưng cũng làm công ăn lương theo chỉ đạo của ban giám đốc.

Người lao động chúng tôi giờ mong muốn kiểm kê tài sản, tránh tình trạng công ty tẩu tán hết thì sẽ không thể giải quyết nợ lương", ông Hùng nói.

Giám đốc là bảo vệ, người bán căng tin

Theo người lao động, lúc đầu công ty có tên Hà Nam An 3 (Công ty TNHH sản xuất thương mại may Hà Nam An 3) do ông Quản Văn Phước làm chủ.

Sau đó, công ty đổi thành DV Fashion (Công ty TNHH sản xuất thương mại may DV Fashion). Gần nhất lại thay biển tên thành Công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh. Nhưng công việc, nơi làm việc của công nhân hầu như không xáo trộn hay thay đổi gì.

Trong hồ sơ, Công ty DV Fashion do ông Hồ Thế Xuân làm đại diện pháp luật từ tháng 12-2023, có cùng mã số doanh nghiệp với Công ty Hà Nam An 3. Nhưng người lao động cho biết ông Hồ Thế Xuân chỉ là bảo vệ công ty.

Trong khi đó, Công ty Tuấn Vinh theo giấy phép đăng ký kinh doanh thành lập mới vào tháng 12-2023. Ông Lê Văn Tuấn làm đại diện doanh nghiệp nhưng công nhân biết ông này là người bán nước ở căng tin.

Công nhân cho biết vẫn bị trừ tiền bảo hiểm xã hội nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Họ yêu cầu công ty thanh toán nợ lương lẫn khoản nợ bảo hiểm từ cuối 2022 đến nay.

Ngày 29-3, đại diện công ty làm việc với hòa giải viên lao động và người lao động về nợ lương và bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin từ người lao động để đưa ra hướng giải quyết.

"Chúng tôi chỉ mong nhận lại tiền lương để đóng tiền trọ, lo cho con cái và được chốt sổ bảo hiểm xã hội để tìm công việc mới.

Nhưng nếu công ty tìm cách bán hết máy móc, tẩu tán tài sản trong thời gian giải quyết, làm sao công nhân chúng tôi nhận được tiền", chị L.T.H. lo lắng.

     

PV (TH)