Tôi và chồng trước đây mua chung mảnh đất nhưng lúc đó chưa đủ tiền, mẹ chồng bỏ nhiều tiền hơn và đứng tên mảnh đất đó.
Góp tiền mua đất chung để mẹ chồng đứng tên, ly hôn đòi được không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Tôi và chồng đang chuẩn bị ly hôn. Khi mua mảnh đất đó, tôi cũng góp 500 triệu tiền riêng. Bây giờ ly hôn tôi có được chia lại tiền đất không?
- Luật sư Nguyễn Trọng Dần (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Theo dữ liệu bạn cung cấp thì mảnh đất đó hiện do mẹ chồng bạn đứng tên và có đóng góp tiền mua đất của bạn.
Như vậy, hiện tại miếng đất này đang thuộc sở hữu của mẹ chồng bạn chứ không phải của vợ chồng bạn.
Nếu tòa án chấp nhận đưa tài sản này vào vụ án ly hôn của bạn thì mẹ chồng bạn sẽ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Nếu tòa án không chấp nhận đưa tài sản này vào vụ án ly hôn của bạn thì bạn có thể khởi kiện dân sự vụ án khác để đòi lại tiền mua chung miếng đất trên.
Bây giờ nếu bạn muốn chia lại tiền mua đất thì phải chứng minh bạn có góp tiền để mua chung miếng đất đó.
Có thể có những cách sau: Nếu bạn đưa tiền mặt thì phải có biên nhận tiền của mẹ chồng bạn hoặc nếu không có biên nhận thì ai biết hoặc chứng kiến việc bạn đưa tiền mua đất, bạn có thể mời họ làm chứng.
Trong trường hợp chuyển khoản thì có thể sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh bạn góp tiền mua đất bằng việc chuyển khoản cho mẹ chồng bạn hoặc người bán.
Bổ sung:
Bạn có thể vận dụng theo Án lệ số 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Yêm.
Khái quát nội dung của án lệ:
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Điều 137 và Điều 235 của Bộ luật dân sự năm 2005.
PV (TH)