Tối 19-4, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, NXB Quân đội Nhân dân phối hợp với Sở TT-TT tổ chức chương trình ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và giao lưu chiến sĩ Điện Biên.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), NXB Quân đội Nhân dân phát hành bộ sách với hơn 30 cuốn gồm 3 thể loại chính: Những hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh nổi tiếng đã từng trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; Những nghiên cứu, tổng kết, phân tích làm sáng tỏ đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ; Những ký sự, câu chuyện gắn liền với kỷ vật, ký ức của các chiến sĩ Điện Biên Phủ...
Dựa theo 3 thể loại trên, đã có nhiều ấn phẩm chứa đựng nhiều tư liệu quý giá được xuất bản như: Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ - Thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Sức mạnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên, Điện Biên Phủ không thể nào quên…
Không chỉ dừng ở những trang sách, tại chương trình giao lưu, bạn đọc còn có cơ hội được lắng nghe những nhân chứng lịch sử, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ kể chuyện. Đó là Đại tá Hoàng Ngọc Thương, Đại đội phó Đại đội Pháo binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tá Trần Thịnh Tần, chiến sĩ Hậu Cần thuộc Tổng cục Cung cấp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù thuộc thế hệ sau nhưng Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM lại có duyên nợ với Điện Biên Phủ khi cha anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, còn anh từng có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cả Đại tá Hoàng Ngọc Thương và Đại tá Trần Thịnh Tần đều đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, vậy nên, được nghe hai nhân chứng sống kể chuyện có thể xem là cơ hội quý giá cho bạn đọc, nhất là những người trẻ hiện nay. Dẫu đã lớn tuổi, nhưng khi nhắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong ký ức của Đại tá Hoàng Ngọc Thương và Đại tá Trần Thịnh Tần, tất cả cứ hiện về rõ mồn một.
Tại chương trình, bạn đọc đã được lắng nghe Đại tá Hoàng Ngọc Thương kể chuyện sang biên giới đưa pháo 105 ly nặng trên 25 tấn về nước. Thời điểm đó đường sá và phương tiện không có, ông cùng đồng đội phải tháo rời từng bộ phận rồi chặt nứa, luồng làm bè đưa pháo về theo đường sông. “Việc vận chuyển pháo về rất gian khổ. Chúng tôi phải đi trong những ngày rét mướt, bị vắt cắn, bị luồng, nứa cắt… Anh em chặt luồng đã có người hy sinh chứ không phải đơn giản”, Đại tá Hoàng Ngọc Thương nhớ lại.
Còn trong ký ức của Đại tá Trần Thịnh Tần, nhắc về Điện Biên Phủ là gợi nhắc đến tình cảm quân dân nồng ấm giữa chiến sĩ Điện Biên Phủ và đồng bào Tây Bắc. “Lúc chiến dịch nổ ra, khi chuyển đổi sang chiến lược đánh chắc thắng chắc nhiều người lo thiếu lương thực, cung cấp cho bộ đội. Nhưng nhờ có đồng bào Tây Bắc ủng hộ 10.000 tấn nếp nương, vậy nên sau chiến dịch, gạo chúng ta còn đủ cung cấp cứu đói cho người dân địa phương”, Đại tá Trần Thịnh Tần chia sẻ.
Chương trình giao lưu với chiến sĩ Điện Biên Phủ ngoài mục đích tri ân những cán bộ lão thành từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn là cơ hội giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ biết được những hy sinh, mất mát của dân tộc cho chiến thắng lịch sử này và hiểu được giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Hồ Sơn/sggp.org.vn