Vài tháng sau khi về hưu, đôi mắt cha mờ hẳn, đến nỗi bước đi chỉ lò dò chầm chậm. Với tình trạng như vậy, những đồ vật, bàn ghế, phương hướng… trong căn phòng nhỏ thì dễ xác định, nhưng mỗi lần dùng cơm cùng các cha ở nhà ăn chung hay đi dâng lễ đồng tế, vị mục tử đều phải cần sự trợ giúp của các thầy phụ tá của nhà hưu…
Sau một đời miệt mài lo cho bổn đạo, vị linh mục của Chúa sống hưu dưỡng với những bệnh tật của tuổi xế chiều. Và, cô đơn hẳn là điều có thể hình dung. Nhưng rất lạc quan, cha nói: “Buồn thì có đó, mà mình phải tận dụng thời giờ Chúa cho là những lúc này để tâm sự, cầu nguyện với Chúa nhiều hơn”. Ðó là lời chia sẻ mộc mạc của cha Matthêu Trần Văn Liên, giáo phận Cần Thơ.
Ðấng bản quyền giáo phận Cần Thơ đã rất khéo léo khi đặt nhà hưu dưỡng linh mục tại một nơi thuộc trung tâm thành phố mà vẫn im ắng, mát mẻ. Từ các phòng đều có thể nhìn thấy dòng sông Hậu hiền hòa bao nhiêu năm lặng lẽ chở phù sa vun đắp cho miền hạ. Ngày trước, tôi thường lui tới chốn này, những dịp rảnh rỗi lại có thói quen vào thăm các cha hưu. Ðứng trên lầu, gió thổi mát rượi…
Quãng thời gian hưu dưỡng, cha dành để cầu nguyện và gặp gỡ với Chúa nhiều hơn |
Phòng của cha Liên nằm ở dãy trệt, gần trung tâm của khu nhà hình chữ U. Bảy mươi mốt tuổi, cha được về nghỉ ngơi, trị bệnh. Trước ngày về hưu, cha coi sóc họ đạo Ðại Ngãi, một giáo xứ truyền giáo cách trung tâm thành phố Sóc Trăng độ 20 cây số. Giáo xứ ít giáo dân, bà con bổn đạo sống xen kẽ với người Phật giáo, Cao Ðài, làm đủ ngành nghề. Ðôi mắt của cha đã mờ từ lâu, song điều trị không khỏi. Tuổi già làm cho đôi chân thêm chậm chạp. Một vài dịp ghé thăm cha tại Ðại Ngãi, chúng tôi cảm nhận sự khó khăn mà vị mục tử đang âm thầm chịu đựng. Trước những nhu cầu mục vụ đa dạng của giáo hữu, dẫu bệnh tật hoành hành, cha nhắc mình không được chùn bước. “Dâng lễ, không thể đọc sách thì mình phải nhớ, học thuộc. Từ lúc đôi mắt yếu đi, mình biết sẽ có ngày chẳng thấy gì nên phải học thuộc các lời nguyện, bài đọc, mọi thứ… Không thể để bệnh của mình ảnh hưởng mọi người”, cha tâm sự.
Tại Sóc Trăng, cha còn là Chủ tịch UBÐKCGVN tỉnh mấy nhiệm kỳ liền. Cha kêu gọi giáo hữu sống hòa nhã, thân thiện, nối kết đạo và đời, làm sáng tỏa tình Chúa, tình người. Xứ Ðại Ngãi do cha phụ trách cũng là giáo xứ tiên phong trong các phong trào mà địa phương đề xướng. Ví như làm sạch đẹp môi trường, giữ gìn không gian chung, giảm thiểu rác thải. Tuy là việc nhỏ nhưng cha Liên đặc biệt lưu tâm trong từng chuyện để ngôi thánh đường khang trang, xóm đạo sạch đẹp.
Cha Liên trong ngày về hưu |
Ðời mục tử của cha đi qua nhiều xứ, đồng hành với nhiều cộng đoàn. Một vài xứ lớn có thể điểm qua như Sóc Trăng (phó xứ); Tân Thạnh… Trong sứ mạng linh mục, dù ở đâu, cha Liên cũng hết lòng chăm lo đoàn chiên được trao phó. Họ đạo Tân Thạnh hay còn gọi là Cái Quanh, là cái nôi đức tin của vùng Sóc Trăng với bề dày hơn 200 năm hạt giống Lời Chúa trổ mầm. Gần chục năm cha gắn mình với đoàn chiên nơi ấy. Thời gian này, ngoài nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn, cha Matthêu còn lo sửa chữa mái nhà thờ bị hư hỏng, xây mới nhà cộng đoàn cho các dì phước, làm nhà trẻ, làm đường, tráng sân nhà thờ…
Lúc còn ở Cái Quanh, cha cũng lo liệu việc ở xứ Ðại Ngãi, tới lui ban các bí tích. Năm 2005, cha được bề trên bài sai về Ðại Ngãi, với kinh nghiệm mục vụ, sự am tường họ đạo và giáo dân qua thời gian nên cha mau chóng hòa nhập và bắt tay làm việc ngay. Tháng 11.2005, ông cố khởi công xây nhà sinh hoạt để có chỗ tiếp khách và làm nơi sinh hoạt họ đạo, đồng thời làm sân khấu kiên cố để diễn văn nghệ các dịp lễ lớn hằng năm. Không lâu sau, cha cũng cho nới hai bên nhà thờ và trang trí nội thất bên trong, đồng thời lót đan sân. “Cha chia họ đạo thành các khu giáo: Ðức Mẹ La Vang, Phanxicô Xaviê và Phaolô Trở Lại, có đủ các giới, HÐGX, thủ quỹ… Không chỉ lo việc vật chất, cha chú trọng việc xây dựng đức tin và lòng đạo đức, sắp xếp mọi việc vào nề nếp. Là xứ truyền giáo lâu năm không có linh mục thường trú nên cha thường xuyên thăm viếng những người lạc đạo và rối rắm. Họ đạo đồng tâm để làm việc từ thiện xã hội, cho người nghèo gạo, cho thuốc miễn phí, giúp học bổng cho các học sinh…”, Giáo phận Cần Thơ đã ghi nhận thành quả của cha ở Ðại Ngãi như vậy trong Kỷ yếu 60 năm giáo phận. Tuy rằng sức khỏe có phần thay đổi và chính bản thân nhìn rõ sự suy giảm ấy, cha vẫn hết lòng phục vụ.
Nhà thờ giáo xứ Đại Ngãi, nơi in đậm dấu chân vị mục tử |
Thăm cha nhiều lần, có khi ở giáo xứ, khi ở nhà hưu, trong những cuộc chuyện trò, chúng tôi hay đề cập những điều rất đời thường. Cha là mục tử dày dặn kinh nghiệm, sống trọn cuộc đời với ơn gọi nên cái nhìn càng sâu sắc. Có lần, chúng tôi đề cập đến ý nghĩa của tòa cáo giải trong đời sống linh mục. Cha cắt nghĩa nhiều thứ. Trong đó, nhấn mạnh về cách làm thật tuyệt vời mà cha áp dụng: “Linh mục ngồi vào tòa giải tội và nói lời thứ tha, đó là điều hẳn nhiên. Bởi Chúa dạy như thế. Từ nơi tòa cáo giải đó, người linh mục còn phải làm thăng tiến đời sống thiêng liêng của giáo hữu. Nhắn nhủ, khích lệ họ là một chuyện. Tôi thường lắng nghe chia sẻ, thao thức của anh chị em giáo dân mình và kết hợp với ý bài giảng để chuyển tải những thông điệp, qua đó, tất cả mọi người đều có thể đồng cảm, hiểu thấu”. Cha tâm niệm, để dựng xây xứ đạo không chỉ tổ chức hình thức bên ngoài mà còn phải tinh ý trong từng việc nhỏ, từ những việc nhỏ mà cố gắng từng ngày rồi sẽ có kết quả tốt.
Lần này, trong cuộc trò chuyện, cha chia sẻ những cảm nhận về tuổi hưu. Cha cho rằng đây là cơ hội để cầu nguyện nhiều với Chúa. “Hồi trước lo làm, có khi lơ là”, cha tự sự. Và cha nói thêm: “Có các anh em (linh mục) khác cùng ở, mình cũng cảm thấy vui. Ðời tu, ở đâu cũng vui”. Tôi đến gặp cha tình cờ trong những ngày có nhiều đoàn khách lần lượt ghé thăm các ngài. Có cả bác sĩ đến khám theo định kỳ. Rất vui vì được nghe sức khỏe cha khá ổn. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đi qua một đời phục vụ, giờ đây cha có thể dành thời gian riêng cho mình. Nhưng không, dường như cha vẫn đau đáu cho đoàn chiên. Ngài vẫn nói về xứ này, người giáo dân nọ, đoàn thể kia…, với niềm hy vọng rằng tới đây mọi thứ sẽ phát triển hơn!
Anh Nguyên