Một số hạng mục tại khu di tích Ngã tư Đức Hòa đã xuống cấp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết đang chờ kinh phí thực hiện dự án nhà lưu niệm Võ Văn Tần và sẽ trùng tu đồng bộ khu di tích này.
Một đoạn lô cốt trong khu di tích Ngã tư Đức Hòa bị xuống cấp - Ảnh: TÍN ẢNH
Qua đường dây nóng, bạn đọc cho biết một số hạng mục trong khu di tích Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa, Long An) đã xuống cấp.
Cụ thể, một đoạn tường của công trình lô cốt được xây dựng từ năm 1964 đến nay đã bị bong tróc, rơi vỡ nhiều mảng rất lâu nhưng không thấy được phục dựng, tôn tạo.
Ông Nguyễn Tấn Quốc - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - cho biết đã ghi nhận một số điểm trong khu di tích Ngã tư Đức Hòa bị xuống cấp.
"Tuy nhiên hiện sở đã trình đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự án xây dựng thêm nhà lưu niệm 2 đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân trong khu di tích Ngã tư Đức Hòa.
Đây là 2 nhà cách mạng gắn bó nhiều sự kiện liên quan khu di tích này, đã được tổ chức hội thảo, các công trình nghiên cứu về sự nghiệp để tiếp tục vinh danh và đang trong quá trình xin kinh phí để xây dựng nhà lưu niệm.
Khi xây dựng nhà lưu niệm của 2 nhà cách mạng, sở sẽ tổ chức luôn việc trùng tu các hạng mục đã xuống cấp trong khu di tích", ông Quốc thông tin.
Ngã tư Đức Hòa là một trong những khu di tích đón tiếp khá đông khách tham quan - Ảnh: TÍN ẢNH
Khu di tích Ngã tư Đức Hòa nằm tại điểm giao nhau của tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 10, hai con đường lớn nối TP.HCM và Long An.
Tại đây, vào ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của Châu Văn Liêm - bí thư Liên tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn và Võ Văn Tần - bí thư Huyện ủy Đức Hòa, khoảng 5.000 đồng bào các xã trong huyện đã tham gia cuộc biểu tình hô vang khẩu hiệu đòi quyền dân sinh dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống lính vào làng đàn áp nhân dân.
Cuộc biểu tình này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An - Chợ Lớn năm 1930. Trong khoảng thời gian Nam Kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp còn dựng một đài xử bắn để hành hình những người tham gia cách mạng.
Trong một thời gian dài, khu vực này được Mỹ cho xây dựng nhiều lô cốt, hầm tròn bằng bê tông cốt thép chắc chắn để chứa quân trang, làm kênh thông tin liên lạc, tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá.
Năm 1989, khu di tích Ngã tư Đức Hòa với những công trình như Dinh Quận gắn với cuộc biểu tình ngày 4-6, hệ thống lô cốt, hầm tròn... được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2015, tượng đài Chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa với hình ảnh xử bắn các chí sĩ yêu nước đã được khánh thành trong khu di tích này.
PV (TH)