Tết Nguyên đán 2024 cận kề, nhiều ngân hàng cũng phát cảnh báo để khách hàng phòng ngừa rủi ro bị chiếm đoạt tài khoản, mất tài sản.
Nhóm tội phạm có xu hướng chiếm đoạt tài sản, qua việc chiếm quyền truy cập thiết bị di động của người dân. Trong ảnh: khách hàng giao dịch tại ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giáp Tết, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ liên tục tiếp nhận hàng loạt cuộc gọi phản ánh của bạn đọc sau khi bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bị chiếm đoạt quyền truy cập điện thoại, mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng
"Họ dùng số điện thoại rác 09250xxx và xưng đến từ Bộ Công an, hứa giúp tôi lấy lại tiền bị mất qua mạng, nhưng sau đó chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của tôi", bạn đọc V.T. bức xúc.
Tinh vi hơn, có bạn đọc còn đột ngột bị mất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng để trong tài khoản ngân hàng, bị kẻ gian chiếm đoạt quyền truy cập điện thoại. "Trong thẻ có hơn 110 triệu, định thưởng Tết cho nhân viên, chưa kịp làm gì đã mất sạch, quá nhanh và khủng khiếp", chị Phương (TP.HCM) cho hay.
Trước vấn nạn chung, ngay sát Tết Nguyên đán 2024, phía Techcombank cho biết: "Thời gian gần đây các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ có xu hướng chuyển mục tiêu sang chính thiết bị di động được khách hàng sử dụng.
Một trong các thủ đoạn phổ biến và hiệu quả của kẻ gian là dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tài sản".
Cụ thể, sau khi chiếm quyền truy cập điện thoại, kẻ gian có thể sử dụng tính năng cuộc gọi, danh bạ, hình ảnh, tin nhắn, máy ảnh... để tương tác trên màn hình mà không cần tác động từ người chủ sở hữu thiết bị. Từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập, truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện từ xa các giao dịch chuyển tiền. Tin nhắn bị ẩn, nên nạn nhân không hay biết tiền đã bị mất.
Vì vậy, nếu nghi ngờ thiết bị đã bị nhiễm mã độc, khách hàng nên ngắt kết nối WiFi, dữ liệu di động trên thiết bị. Liên hệ ngay tới các kênh của ngân hàng như tổng đài hỗ trợ 24/7, gửi email hoặc tới điểm giao dịch gần nhất để khóa các dịch vụ. Đồng thời tới cửa hàng dịch vụ điện thoại uy tín để đưa điện thoại về chế độ cài đặt gốc.
Mới đây ACB cũng khuyến nghị để tránh bị kẻ gian lợi dụng, khách hàng nên thực hiện "3 không" gồm: không nhấn vào các liên kết gửi qua tin nhắn và mạng xã hội từ nguồn tin chưa xác thực, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không nhập tài khoản đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực vào các trang website lạ.
Khách hàng cẩn trọng, để phòng ngừa rủi ro tiền trong tài khoản ngân hàng bị chiếm đoạt, thông tin bị lộ và dùng cho các mục đích trái pháp luật.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Agribank, TPBank... cũng đưa ra cảnh báo giúp khách tránh rơi vào các bẫy lừa đảo tinh vi.
Giả danh công an để hướng dẫn cài ứng dụng VneID giả mạo, chiếm đoạt tiền
Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo về việc thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan công an, gọi điện cho người dân, sau đó gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến (Zalo, Facebook…). Từ đó hướng dẫn cài đặt phần mềm ứng dụng VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VneID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Sau khi người dân cài đặt, ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP… Các đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân, rồi thực hiện lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Qua đó, Bộ Công an khuyến nghị người dân cài đặt ứng dụng VneID từ nguồn chính thống trên App Store (hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ đường link lạ.
(theo TTO)