MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ NỖI CÔ ĐƠN ĐỜI LINH MỤC

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho các linh mục, những vị đang cảm thấy rã rời và cô đơn trong công tác mục vụ, có thể tìm được sự trợ giúp và ủi an trong sự gần gũi với Thiên Chúa, và trong tình bằng hữu với anh em linh mục.

MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ NỖI CÔ ĐƠN ĐỜI LINH MỤC

 Vừa qua, người viết bài này có dịp cùng với vài người bạn đến thăm một số linh mục đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Khung cảnh ở đây không khác gì một tu viện. Vắng lặng, êm ả và có vẻ buồn tẻ. Phòng của các cha sát cạnh nhau và dường như lúc nào cũng “cửa đóng then cài”! Các ngài đã lớn tuổi và hầu hết lại mang nhiều bệnh tật. Ngoài giờ dâng lễ và giờ ăn chung, các ngài lại lui vào chốn riêng tư để “một mình ta với ta”, trong cô đơn và vắng lạnh.

Trên đường từ nhà hưu về, tôi miên man nghĩ đến đời sống tu trì và thân phận của những mục tử đã từng “vang bóng một thời”. Chẳng ngạc nhiên, vì “Sông có khúc, người có lúc”. Quy luật cuộc đời là vậy. Bỗng nhớ đến lời của thánh Phao-lô, “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.” (1Tx 5, 16-18)

Có lẽ trong thời điểm này, các ngài đang sống ơn gọi của mình một cách sâu xa nhất và đang trải nghiệm mầu nhiệm sự cô đơn trong đời linh mục của mình.

ĐGM GB. Bùi Tuần, trong bài viết có tựa đề “Vinh quang của linh mục” nhân kỷ niệm 65 năm linh mục (1955-2020), đã chia sẻ tâm sự như sau:

Với 65 năm linh mục, tôi tạ ơn Chúa đã ban cho tôi muôn vàn ơn cao quý. Một trong những ơn cao quý đó, tôi phải nói thật theo lương tâm, đó là ơn được chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã chịu rất nhiều đau khổ. Một trong những đau khổ đã được Ngài kêu lên thảm thiết, đó là cảnh cô đơn, cảnh bị bỏ rơi. Quần chúng bỏ rơi Ngài. Các môn đệ bỏ rơi Ngài. Chính Chúa Cha xem ra cũng bỏ rơi Ngài. Đó là cảnh cô đơn cùng cực, đầy tối tăm, đầy buồn bã, đầy khô cạn.

Chúa Giêsu đã chịu cảnh cô đơn cùng cực đó, để cứu loài người.

Nếu các linh mục trong mọi thời, nhất là thời nay cũng có lúc phải chịu cảnh cô đơn cùng cực như thế, thì hãy coi đó là một ơn trọng Chúa trao ban.

Thánh tông đồ Phaolô xưa cũng đã trải qua cảnh cô đơn cùng cực như thế. Ngài viết: “Mọi người đều đã bỏ rơi tôi.” (2 Tm 4,16).

Ngài phải phấn đấu rất nhiều, để cảnh cô đơn cùng cực đó trở thành dịp thanh luyện Ngài khỏi những lạc quan và những bi quan sai lầm, để chỉ cậy vào ơn Chúa mà thôi.

Từ đó, tôi coi sự chia sẻ cuộc thương khó Chúa Giêsu là một dấu chỉ ơn gọi Chúa dành cho tôi.

Nếu hôm nay, tôi được chia sẻ phần nào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì tôi nên coi đó là một ân huệ tôi đang được cùng với nhiều môn đệ Chúa sống với niềm tin khiêm nhường phó thác. 

Là môn đệ Chúa Giêsu, nhất là với tư cách là linh mục của Chúa Giêsu, tôi phải coi cuộc thương khó của Chúa Giêsu là gia nghiệp đời mình.[1] ĐTC Phan-xi-cô cũng tỏ ra quan tâm tới các linh mục đang phải sống cô đơn và mệt mỏi trong công việc. Có lần ngài đã lên tiếng nhắn nhủ như sau:

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho các linh mục, những vị đang cảm thấy rã rời và cô đơn trong công tác mục vụ, có thể tìm được sự trợ giúp và ủi an trong sự gần gũi với Thiên Chúa, và trong tình bằng hữu với anh em linh mục. Trong những lúc như vậy, thật tốt khi họ nhớ rằng dân Chúa vẫn yêu thương các linh mục, cần các ngài, và tin tưởng vào các ngài.

Lời của Đức Thánh Cha đưa ra trong thời điểm nhiều linh mục coi xứ trên toàn thế giới bị cô đơn và phải gánh vác trọng trách nhiều giáo xứ mà không có sự hỗ trợ hay an ủi từ các giáo sĩ khác. Ngài đã chia sẻ, “Sự mệt mỏi rã rời của các linh mục… Anh chị em có biết rằng cha luôn suy nghĩ về điều đó? Phải hoạt động trên nhiều tuyến đầu, các ngài không thể ngồi im thụ động sau một sự thất vọng.

Được biết, theo niên giám Giáo hoàng cuối năm 2015, có 415.656 linh mục trên toàn thế giới. Trong số này, 37,4% thuộc vùng Châu Mỹ, tiếp theo là Châu Âu với 31,6%, và sau đó là Châu Á với 15,1%, Châu Phi có 13,4%, và cuối cùng Châu Đại dương có 2,5% tổng số linh mục toàn thế giới. Và họ phải thi hành công tác mục vụ cho hơn 1,2 tỷ người Công giáo trải rộng trên khắp mọi châu lục.[2]

Như vậy, đối với các linh mục nói chung và với các linh mục cao tuổi đã về hưu nói riêng, chúng ta phải quan tâm đến các ngài qua việc cầu nguyện và những trợ giúp cần thiết. Chính vì vậy mà Cha Frédéric Fornos S.J, giám đốc quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng và Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, đã nói như sau: “Sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó cho ‘các mục tử’ của Người đòi hỏi sự cam kết trọn vẹn phục vụ tha nhân và sứ mạng, nhưng đó là những trách vụ rất nặng nề, và nếu không có tình bạn sâu thẳm với Chúa, nếu không có sự cầu nguyện, và sự hỗ trợ của một cộng đoàn, thì điều đó là không thể. Đây là lý do tại sao Đức Giáo hoàng mời gọi tín hữu cùng đồng hành với các linh mục bằng tình bạn thân ái.[3]

I.- Ý NGHĨA CỦA NỖI CÔ ĐƠN TRONG ĐỜI CON NGƯỜI

Thực tế cho thấy nhiều người đã phải đối mặt với sự cô đơn một cách khủng khiếp, đến độ hoặc là họ tìm đến cái chết để thoát nỗi cô đơn, hoặc cảm thấy bị nỗi cô đơn đeo đuổi đến hết cuộc đời và phải chết trong cô độc.

Sau khi chồng qua đời, Nữ hoàng Victoria bảo rằng “Không còn ai để gọi tôi là Victoria”. Dù là nữ hoàng nhưng bà cũng hiểu thế nào là cô đơn. Nhà văn nổi tiếng người Anh H.G. Wells đã nói trong ngày mừng sinh nhật thứ sáu mươi lăm rằng, “Tôi đã 65 tuổi, cô đơn và không tìm thấy bình an.” Isadora Duncan, vũ nữ ba-lê từng trình diễn trước các hoàng gia Âu châu và được coi là nghệ sĩ ba-lê danh tiếng nhất đã nói, “Tôi chưa bao giờ phải ở một mình, nhưng lòng tôi đau đớn, mắt tôi ngấn lệ và tay tôi run rẩy mong có sự bình an và niềm vui tôi chưa bao giờ tìm được.” Cô nói thêm là ở giữa hàng triệu người ái mộ, cô vẫn thực sự là một phụ nữ vô cùng cô đơn. Ít năm trước đây, một ngôi sao màn bạc Hollywood trẻ đẹp, có đủ mọi sự nhưng đã quyên sinh. Trong bức thư tuyệt mệnh ngắn ngủi là một lời giải thích vô cùng đơn giản, cô không thể chịu nổi nỗi cô đơn.[4]

ĐGM GB. Bùi Tuần, trong bài viết tựa “Cô đơn”, tập sách “Nói với chính mình” đã mô tả tâm trạng thực của một người cô đơn, như sau:

Tôi cô đơn, vì tôi không nhờ được ai sống hộ cuộc đời của tôi. Tôi cô đơn, vì tôi nhìn thấy chung quanh tôi có quá nhiều bức tường xa cách. Tôi cô đơn, vì tôi chạy trốn tình yêu. Tôi cô đơn, vì nhiều khi tôi gọi những người thân yêu của tôi ở thế giới bên kia, nhưng tôi vẫn cảm thấy xa vắng lạnh lùng. Tôi cô đơn, vì nhiều khi tôi thiết tha đi tìm Chúa, nhưng Chúa vẫn như lánh mặt. Có những giờ phút cô đơn hơn nước mắt, và đe dọa hơn sự chết…[5]

Người ta đã giải thích Cô đơn như thế này, đó là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết nối hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.

Các nghiên cứu cho thấy sự cô đơn là một hiện tượng phổ biến trong xã hội loài người, gặp ở những người đã kết hôn, những người đang có các mối quan hệ, các gia đình, các cựu chiến binh, và ngay cả những người đã thành công trong sự nghiệp. Sự cô đơn là một chủ đề văn chương được khám phá trong suốt chiều dài lịch sử con người từ thời cổ đại. Sự cô đơn cũng được miêu tả như một nỗi đau tâm lý, và cũng là cơ chế thúc đẩy một cá nhân tìm kiếm sự kết nối xã hội. Sự cô đơn thường được định nghĩa trong mối liên hệ của một người với người khác, cụ thể hơn là “một trải nghiệm khó chịu xảy đến khi mạng lưới quan hệ xã hội của một người bị khiếm khuyết trên một số phương diện quan trọng”.[6]

Tóm lại, thật khó hình dung sự cô đơn như thế nào, nhưng nó là một tâm trạng, một cảm xúc có thực, có sức mạnh vô hình nằm ngay trong sâu thẳm con người, khiến người ta đau khổ và có thể chết vì nó.

Thực vậy, “Cô đơn có thể đưa tới sợ hãi và tuyệt vọng. Kinh nghiệm đau thương này có thể xảy ra cho con người trong mọi thời đại, nhất là thế giới hôm nay, một thế giới văn minh có đầy đủ mọi phương tiện để hưởng thụ, có thể lấp đầy mọi khoảng trống của không gian và thời gian, nhưng lại thiếu một điều cần nhất để có thể lấp đầy tâm hồn con người : đó là một trái tim biết cảm thương, một tấm lòng biết trắc ẩn, một tâm hồn biết mở rộng và dám ra khỏi mình để gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại và trao ban những gì mình có thể, để đem lại niềm vui và phấn khởi cho nhau trong cuộc đời.”[7]

II.- LINH MỤC: KHÔNG LÀ NHỮNG NGÔI SAO CÔ ĐƠN

Linh mục, xét như là một con người như mọi người, cũng có lúc rơi vào trạng thái cô đơn nặng nề và cả nỗi tuyệt vọng cùng cực. Thỉnh thoảng trên các trang mạng có tin linh mục nước này, linh mục nước kia tự tử. Lý do không biết rõ là gì nhưng những chuyện đó xảy ra trong Hội thánh khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng, lo lắng.

Theo các chuyên gia về y học và tâm lý, cô đơn thường gây ra bệnh trầm cảm, và có thể dẫn đến những vụ tự sát thương tâm.

Tại Nhật Bản, theo số liệu thống kê đầu năm 2019, trong số những cụ ông cao tuổi sống một mình, chỉ có 15% thường xuyên nói chuyện với một người khoảng hai tuần một lần, trong khi đó khoảng 30% cảm thấy không thể nói chuyện với bất kỳ ai và không có người nào đáng tin cậy để họ có thể nhờ giúp đỡ như là thay bóng đèn…

Kodokushi hay còn gọi là những cái chết cô đơn, phản ánh thực tế xã hội Nhật Bản, những người già sống cô độc, khi chết đi không một ai hay biết và thi thể của họ chỉ được phát hiện trong một thời gian dài sau đó. Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây.[8]

Trở lại vấn đề cô đơn đời linh mục, ta thấy rằng, các linh mục nghỉ hưu, tuy lớn tuổi, bệnh tật, già yếu nhưng các ngài vẫn sống ơn gọi hiến thân và vẫn có thể làm việc nào đó, kể cả mục vụ như lúc còn trẻ khỏe. Một linh mục đã về hưu có nói rằng, tại sao nghĩ các linh mục hưu là “bất lực”, các ngài vẫn có thể làm việc, vẫn sinh ích lợi cho Hội thánh và cộng đoàn, các ngài không thể được xem là “vô tích sự” được. Các ngài vẫn có thể kết nối internet, lập trang facebook, trao đổi email, viết sách, viết báo, làm thơ, sáng tác nhạc, thăm viếng mục vụ, dạy giáo lý, giảng tĩnh tâm vv.

Thực ra, cô đơn hay không, đó là tùy thuộc cảm xúc và tâm trạng chủ quan của từng người. Có khi ta ở một mình bề ngoài cô đơn thật, nhưng không thấy cô độc vì ta có nhiều mối liên hệ hữu hình cũng như vô hình. Ngược lại có thể ta đang vui vẻ nhưng kỳ thực trong lòng ta trống rỗng, lạnh lẽo, cô đơn vì ta đã tự tách mình ra khỏi các mối liên hệ gần xa.

Vậy, xét cách khách quan, ta thấy rằng linh mục không phải là một con người cô độc và cuộc sống của ngài khó có thể rơi vào trạng thái cô đơn, buồn tẻ. Dựa vào thực tế của ơn gọi và sứ vụ linh mục, ta có thể hình dung ra 3 khuôn mặt nổi bật của linh mục, đó là: 1- Một con người của cầu nguyện; 2- Một con người của hoạt động; 3- Một con người của liên đới.

2.1. Linh mục: người của cầu nguyện

Có thể nói, ưu tiên của đời linh mục trước hết là đời sống nội tâm. Thực vậy, hãy nghe một linh mục chia sẻ về định nghĩa sự cô đơn của đời linh mục như sau:

“Khi con không muốn nói về Chúa, không nghĩ về Chúa, không có Chúa trong con, con thấy con lẻ loi. Con gọi sự lẻ loi ấy là cô đơn”. Thật vậy, một cuộc đời không có Chúa, không gặp được Chúa là một cuộc đời lẻ loi, bất hạnh và cô đơn. Cuộc đời người linh mục cũng vậy. Linh mục gặp Chúa qua từng phút giây cử hành Thánh lễ, qua từng phút giây đọc kinh Phụng vụ hay qua từng phút giây viếng Thánh Thể. Thế nhưng, nếu thiếu đi những phút giây ấy thì đời linh mục sẽ cảm thấy cô đơn. Bởi vậy, một linh mục đã thấm thía nỗi cô đơn thế này: “Là linh mục, mà mỗi sáng con ngại ngùng dâng lễ, con thấy trống vắng lắm. Những lúc như vậy, con thấy dâng lên một nỗi chán rất sâu. Nỗi chán ấy đến từ vùng sâu thẳm nhất của linh hồn.”[9]

Sự cô đơn có thể được xem như là biểu hiện của sự khô cằn về đời sống nội tâm, về sự kết hợp với Chúa trong kinh nguyện và qua việc suy gẫm Lời Chúa hằng ngày. Quả vậy, linh mục đơn thân nhưng không bao giờ đơn độc. Bởi vì, “Ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài…[10]

Trong bài viết có tựa đề “Nét đẹp đời linh mục”, khi đề cập đến nét đẹp của tâm linh của đời linh mục, tác giả đã viết như sau:

“Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện. Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày. Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.

“Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.

“Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.

“Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.

“Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.”[11]

Như vậy, làm sao có thể nói linh mục là người cô đơn được, vì Chúa là gia nghiệp của ngài và Đức Ki-tô Mục Tử luôn là người bạn đồng hành với ngài trong sứ vụ linh mục.

2.2. Linh mục: người của hoạt động

Linh mục cũng là con người của hoạt động. Có thể nói, một ngày của linh mục thật là bận rộn. Nếu là cha chính xứ thì chắc hẳn lịch làm việc và sinh hoạt của ngài dày đặc công việc mục vụ. Sáng chiều dâng thánh lễ, soạn bài giảng, dạy giáo lý, đọc kinh sách, suy gẫm, họp hành, ngồi tòa, đi kẻ liệt, tiếp khách, thăm viếng mục vụ, đọc sách báo, lao động, giải trí vv.

Như vậy, linh mục vừa là người của cầu nguyện, lại vừa là người của hoạt động. Có những việc có-tên, nhưng cũng có những việc không-tên. Có những việc trong-kế-hoạch, nhưng cũng có những việc ngoài-kế-hoạch. Có những việc định-kỳ nhưng cũng có những việc đột-xuất… Trong hội nghị tại Vatican ngày 21-10-2016, ĐTC Phan-xi-cô đã nói với các hồng y và giám mục và các chuyên gia về ơn gọi như sau:

Hãy nghĩ lại về việc mục vụ ơn gọi, để nó không đơn thuần là một chương trình mục vụ quan liêu. Công việc của các cha cần có ‘đi ra” và lắng nghe mọi người. Bản thân cha đây, ơn gọi của cha không phải là kết quả từ một lý thuyết hay, nhưng là từ cảm nghiệm cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu trên cha.

Để được như thế, Giáo hội phải thôi tối giản Công giáo thành một công thức luật, và hàng giáo sĩ cần phải phá vỡ thế giới khép kín của mình. Thật đáng buồn khi một linh mục chỉ sống cho mình, khép kín trong pháo đài an toàn của nhà xứ, phòng thánh, hay trong một nhóm những người trung thành theo mình.

Phải ngược lại, chúng ta được kêu gọi làm mục tử giữa dân, phải có thể chăm sóc mục vụ và dành thời gian để chào đón và lắng nghe tất cả mọi người, nhất là những người trẻ. Thế giới cần những linh mục trưởng thành và cân bằng…[12]

Trên thực tế, nhiều linh mục lơ là việc mục vụ, chán làm việc, ngại hoạt động, không coi việc mục vụ như là một kế hoạch hành động chính yếu của mình, khiến cho cuộc sống các ngài trở nên tẻ nhạt và trống rỗng. Nhiều đấng thu mình trong nhà xứ, khiến cho nhiều tín hữu cảm giác như họ bị bỏ rơi, không ai chăm sóc phần hồn và phần xác…

2.3. Linh mục: người của liên đới

Trong hoạt động, linh mục sẽ thiết lập được các mối liên hệ mật thiết giữa ngài với cộng đoàn, giữa các thành phần trong cộng đoàn với nhau.

Ta biết rằng, linh mục không có gia đình riêng, nhưng lại có cộng đoàn là đại gia đình mà ngài được coi là cha, là chủ chăn, là người lãnh đạo. Cuộc đời mục tử của ngài là sống với, sống vì và sống cho cộng đoàn. Một thân phận mong manh yếu đuối nhưng lại rất phong phú các mối liên hệ.

Quả thực, không ai có nhiều mối liên hệ bằng linh mục. Không ai phải lao công khó nhọc để duy trì và phát triển các mối liên hệ bằng linh mục. Khi mà một trong trăm ngàn mắt xích của mối liên hệ đó trục trặc, tổn thương thì linh mục là người đầu tiên chịu đau đớn. Cái đau của người làm đầy tớ phục vụ. Đúng như lời cha Antoine Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”.

Sự liên đới của linh mục với mọi người, kể cả người ngoài Ki-tô giáo, là mối liên hệ bởi tinh thần trách nhiệm và tinh thần hợp tác đa phương dựa trên nguyên tắc “Sống và phục vụ như Đức Ki-tô”. Linh mục phải thoát ra khỏi cái não trạng “quan liêu bàn giấy” để đến với tha nhân và đón nhận con chiên dù là chiên ghẻ hay chiên xấu xí. Nói theo cách nói của ĐTC Phan-xi-cô thì linh mục phải mang mùi chiên!

Thực vậy, linh mục không sống bằng lương và làm việc theo phong cách công chức, nhưng là theo tinh thần và trong bầu khí của Tin Mừng. Bầu khí và tinh thần đó thúc đẩy ngài luôn cho đi mà không nghĩ đến báo đền ơn nghĩa. Luôn chia sẻ mà không mơ tưởng đến việc nhận lại. Với tinh thần của Tin Mừng và với lòng mến của mục tử, linh mục quan tâm xây dựng tình liên đới bằng những công việc đa dạng, cụ thể, bình thường nhưng đầy ý nghĩa nhất.

Cũng trong bài “Nét đẹp đời linh mục”, tác giả cũng không quên đề cập đến nét đẹp của sự chia sẻ của đời sống linh mục, như sau:

“Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường. Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách. Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất. Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia. Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.

Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc. Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên. Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt qua khủng hoảng và bế tắc.

Vì vậy, linh mục là người ‘bị ăn’, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát. Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân. Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến. Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành. Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao. Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.”[13]

Trở lại câu chuyện liên quan các linh mục đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng, chúng ta tự nhủ mình phải có bổn phận nào đó đối với các ngài. Ngoài việc cầu nguyện, chúng ta nên quan tâm đến thân phận “neo đơn và hẩm hiu” của các ngài mà thể hiện một điều gì đó giúp các ngài cảm thấy được an ủi và bớt buồn tẻ.

Hãy đến với các linh mục đang nghỉ hưu: Đó là phương cách đơn giản nhất nhằm giảm bớt nỗi buồn neo đơn của các ngài. Cách chung, những người cao tuổi cần sự lui tới thăm viếng hỏi han của một ai đó. Nếu là con cháu hay người thân trong gia đình, chúng ta nên thường tới thăm viếng, trò chuyện, an ủi, khích lệ các ngài. Các ngài có nhu cầu gì, chúng ta tùy khả năng hỗ trợ, giúp đỡ.

Sự yêu mến và quan tâm của chúng ta sẽ giúp người già trút bỏ được mặc cảm bị bỏ rơi xa cách, mặc cảm tự ti mình là người vô dụng, sống ngoài lề xã hội. Có người đã nói: “Cô độc thật sự đáng sợ đấy, nhưng không đáng sợ bằng việc cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ” (Amedia Earhart). Người già sẽ rất buồn tủi khi mọi người xung quanh, nhất là con cháu và người thân, vô tình hay hữu ý, tạo một bức tường ngăn cách khiến cho họ cảm thấy cô độc trong thế giới xung quanh họ./.

   

Aug. Trần Cao Khải