Mùa cà phê chín, người lao động thời vụ tìm về Tây Nguyên để hái thuê

Những tháng cuối năm khi cà phê chín đỏ, sắc hương lan trải theo triền đồi cũng là lúc rộn ràng tiếng cười nói của những người hái cà phê thuê. Họ như đời du mục đi theo mùi hương cà phê…

Ẩn trong những nụ cười, họ cũng mang theo những chuyện đời mưu sinh nhọc nhằn. Tàn một ngày làm việc vất vả, họ trở về với gương mặt rám nắng, lấm tấm mồ hôi và bàn tay chai sần, sạm đen cho hương cà phê được bay xa.

Công việc hái cà phê thuê gắn với chị Điểu Hồng nhiều năm nay - Ảnh: LÊ TỪ NGỌC SANG

Cuộc sống tạm bợ, gắn liền mùa vụ

Mỗi mùa cà phê chín, người lao động thời vụ từ các vùng quê khác nhau tìm về Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ để hái thuê.

Anh Hứa Văn Chiểu (35 tuổi, quê Trà Vinh) lên Bình Phước làm thời vụ được khoảng hai năm nay chia sẻ: "Nhà tôi ở quê nghèo lắm, dưới đó không làm ra tiền, tôi dắt vợ con lên đây làm thuê cho người ta. Cái gì cũng làm hết, mùa cà phê thì hái cà phê, mùa điều thì nhặt điều. Công việc vất vả nhưng tiền công ổn định, mỗi mùa cũng dành dụm được chút ít lo cho con cái".

Lấy nhau được vài năm, có bốn mặt con, anh Chiểu dắt vợ con lên xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng, Bình Phước) thuê một căn trọ nhỏ để ở. Mùa hương cà phê lan tỏa này, vợ chồng anh dậy từ 5h, chuẩn bị bữa sáng, đưa con tới trường xong họ gói cơm đem theo ăn trưa luôn tại vườn.

Trên chiếc xe máy cũ, anh chở vợ và con gái út mới 3 tuổi vượt hơn chục cây số đường đất đỏ ngoằn ngoèo tới bãi cà phê mà chủ thuê hái tại thôn 6, xã Thống Nhất. Vừa lúc mặt trời lên, anh lựa chỗ mát mắc võng cho con gái nhỏ ngồi chơi rồi bắt tay vào việc ngay.

Cẩn thận trải hai tấm bạt quanh gốc để hạt cà phê không rơi vãi, anh nhanh nhẹn leo lên những cành cao ngang đầu để hái từng chùm quả. Người vợ thì đứng dưới, tay thoăn thoắt tuốt hạt ở những cành thấp hơn. Công việc đòi hỏi nhanh nhẹn nhưng cũng phải tỉ mỉ. Thật ra ai chẳng muốn tuốt nhanh để có nhiều tiền nhưng họ làm cẩn thận, nhẹ nhàng với từng cành cà phê để năm sau còn ra trái. Chủ vườn rất ưng bụng, tới vụ lại gọi họ.

Hì hục trên cao một lúc lâu, anh Chiểu leo xuống, quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, tâm sự: "Làm nghề này cũng vất vả nhưng được cái năm nay giá cà phê tăng cao, người làm công như tụi tui cũng được tăng thêm chút đỉnh. Vợ chồng thạo việc ngày kiếm bảy tám trăm ngàn đồng, cũng đỡ".

Cũng như anh Chiểu, chị Điểu Thị Hồng lấy chồng từ năm 16 tuổi, nay đã ba mặt con nhưng nhà không có vườn tược. Vợ chồng phải đi làm thuê quanh năm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Họ chia nhau mỗi người một việc, chồng phát cỏ thuê, vợ hái cà phê.

Trên miền cao đất đỏ này, mùa thu hoạch cà phê cũng là thời điểm nắng gắt nhất năm. Các chị em đội nón vành rộng, khăn che kín mặt nhưng mồ hôi vẫn đổ ướt hết áo. Nhiều chị mới đi hái cà phê thuê chưa quen việc dưới trời nắng gắt bị chóng mặt, xây xẩm mặt mày. Đặc biệt trời nắng cháy da cháy thịt nhưng nhiều hôm mưa bất chợt ào ào rơi xuống khiến chị em không kịp trở tay, đã mệt càng thêm khổ.

Chị Điểu Thị Bay, sinh năm 1987 ở xã Thống Nhất, bộc bạch: "Mưa xuống là không hái được, mà không làm thì không có tiền. Mấy hôm mưa liên tục chẳng kiếm được đồng nào, sốt ruột chỉ mong trời mau nắng để được làm có tiền mà đong gạo".

Vừa nói chị Bay vừa rướn người, đưa tay thoăn thoát hái cà phê, cố gắng kiếm tiền về lo cho con cái và cha mẹ già. Mỗi ngày chị hái được khoảng 2 tạ cà phê tươi, chủ trả 400.000 đồng, đủ để chị lo sinh hoạt và dành dụm chút đỉnh.

Bữa cơm trưa đơn sơ nhưng vui vẻ dưới tán cà phê

Những đôi bàn tay nhuốm màu đen

Trên thân cây cà phê có những cành sắc nhọn dễ làm xước da tay khi hái. Những vết thương nhỏ tích tụ dần khiến bàn tay người hái đau rát, đặc biệt khi nhựa cà phê bám vào rửa rất khó ra.

Xòe bàn tay sậm màu đen, chị Điểu Thị Hương (sinh năm 1972) chia sẻ: "Tôi cẩn thận đeo găng tay hai lớp nhưng vẫn bị nhựa bám đen, kỳ cọ không ra, tay khô nứt hết. Ngại lắm, đi đám đi tiệc cứ sợ người ta nghĩ mình ở dơ, chưa rửa tay, nhưng không làm thì lấy gì sống".

Nhà chị Hương cũng chẳng khá giả gì, chồng chị mắc bệnh viêm gan phải nhập viện liên tục. Chị phải đi làm mướn nuôi chồng, may con cái lớn đã lập gia đình thi thoảng cũng gửi chút tiền thuốc men cho cha.

Ngoài thời tiết nắng nóng, vườn cà phê còn có những nguy hiểm bất ngờ từ côn trùng như kiến độc, muỗi, vắt, thậm chí cả rắn… khiến những người làm công phải dè chừng.

Anh Điểu Hay, 29 tuổi, ở xã Thống Nhất, kể: "Đi làm nghề này cũng nhiều nguy hiểm, có lần tôi đang hái thì một con rắn lục nằm ngay trên cành, may mà né kịp. Còn kiến thì ngày nào cũng bị cắn, ngứa sưng hết cả tay chân. Rồi nhiều cây cà phê cao, người mình thì nặng, trèo lên có khi té nhào, ê ẩm hết cả người".

Ngoài hái cà phê thuê, anh Hay còn phụ chị em lọc bỏ lá, đóng bao chở về nhà chủ. Đường lên những con dốc ngoằn ngoèo khó đi, chiếc xe máy cà tàng vậy mà anh chở tới ba bao lớn. Nhiều lần té đau, anh cũng tự mình gắng gượng dậy vì đường đồi núi không người.

"Cực khổ mấy cũng chịu được, miễn là con cái ngoan, học giỏi là mừng. Chỉ mong sau này con mình không phải bám rẫy cà phê để làm mướn như đời cha mẹ", anh Hay trải lòng.

Đặc biệt nghề này còn có cả những bạn sinh viên tranh thủ ngày nghỉ chạy về hái thuê kiếm thêm thu nhập. Bạn Phạm Khắc Hưng ở Bù Đăng chia sẻ: "Mình hái cà phê thuê tới nay cũng đã được bốn năm rồi. Cứ tới mùa, trống lịch học là mình lại chạy xe máy về để hái thuê. Một ngày kiếm 400.000 đồng, hơn đi làm thêm trên thành phố nhiều".

Hưng cười kể có lẽ khó khăn nhất là "chọc giận" những ổ kiến lửa nằm trên ngọn cao, bị cắn mẩn đỏ khắp người. Có lần cậu còn bị kiến đen cắn vào mắt, cay hơn cả xát ớt, phải mua thuốc nhỏ mắt mấy ngày trời mới khỏi. Tuy nhiên khi hỏi ngán không thì cậu chỉ lắc đầu. Hái cà phê thuê có thu nhập và cũng có niềm vui thoải mái giữa miền cao đất đỏ lộng gió…

Anh Chiểu đi hái cà phê phải đưa con gái nhỏ theo ra vườn chơi với các bạn là con của người khác vì ở nhà không có ai trông

Giá cà phê tăng cao, giá thuê mướn cũng lên

Bà Võ Thị Ny, 61 tuổi, tiểu thương lớn tại huyện Bù Đăng, cho biết: "Tôi buôn bán cà phê gần 30 năm rồi. So với những năm trước, giá cà phê tươi tăng, giá cà phê khô hiện tại cũng khoảng 105.000 đồng/kg, nhờ vậy giá công hái cũng tăng theo.

Những năm trước tiền công hái chỉ dao động khoảng 1.500 đồng/kg, nhưng năm nay giá công hái từ 2.000 - 2.200 đồng/kg. Được vậy bà con nghèo phải đi hái thuê cũng vui hơn".

Bữa cơm trưa vui vẻ dưới tán cà phê

Sau buổi sáng làm việc năng suất, họ nghỉ ngơi ăn uống. Không bàn ghế, chẳng chiếu mâm gì, họ trải vài cái bao dưới tán cà phê rồi quây quần bày đồ ăn ra. Món ăn cũng đơn giản, người đem cá, người góp thịt, người đem rau canh đủ để vui vẻ chia sẻ nhau lấp đầy bụng, nạp năng lượng cho buổi làm việc chiều.

Giờ nghỉ trưa là thời gian vui vẻ nhất trong ngày. Những người hái cà phê thuê được tụ tập, được ngồi ăn với nhau, chia sẻ đôi ba câu chuyện gia đình, con cái để quên đi mệt mỏi. "Có gì ăn đó vậy mà vui. Cực thì cực thật nhưng có bạn bè làm chung, mỗi người hỗ trợ nhau một chút, ngày làm việc cũng bớt căng thẳng", chị Hồng cười nói.

Tuy nhiên chỉ được 30 phút cười nói, mọi người lại tiếp tục công việc đẫm mồ hôi cho tới tận tối mịt mới về nhà.

 

PV (TH)