"Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn

Với đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, 18 tập thể, cá nhân, vở diễn vừa được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024. Trong đó, vở ca kịch Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam được trao giải Vở diễn xuất sắc.

Nhân dịp này, Thể thao và Văn hoá (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng về tác phẩm.

1. Cách đây 2 năm, được đạo diễn NSND Trung Kiên mời, tôi đã có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội xem buổi công diễn vở ca kịch Nợ nước non vào đúng ngày kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022). Vở diễn đã mang tới cho tôi và khán giả Thủ đô bao cảm xúc thiêng liêng về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh.

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Nợ nước non”

Nợ nước non là vở kịch hát đầu tiên được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm (3 tập) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ do Đoàn thể nghiệm Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và các nghệ sĩ phối hợp dàn dựng. Tên gọi Nợ nước non được gợi ý từ lời ru con của cụ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ: "Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền".

Vốn là nghệ sĩ có duyên dàn dựng nhiều tác phẩm văn học của tác giả Nguyễn Thế Kỷ như Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng Đông, Thầy Ba Đợi, Huyền thoại gò Rồng ấp, Ngàn năm mây trắng (cùng NSND Thanh Ngoan), một lần nữa NSND Triệu Trung Kiên tiếp tục đưa tác phẩm văn học của tác giả Thế Kỷ vào nghệ thuật kịch hát một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, xúc động. Đạo diễn cùng ê-kíp với soạn giả Hoàng Song Việt (chuyển thể cải lương); nhạc sỹ Trọng Đài (âm nhạc); NSND Doãn Bằng (thiết kế sân khấu)... và hơn 70 nghệ sĩ đã ghi dấu ấn với vở kịch đặc sắc này.

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 2.

Tiểu thuyết “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

Bám sát cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ được viết bằng bút pháp hiện thực, tâm lý, trữ tình, đi sâu vào nội tâm, NSND Triệu Trung Kiên cùng ê-kíp đã chọn những lát cắt tiêu biểu nhất trong cuộc đời của Bác Hồ để thể hiện trên sân khấu chỉ với thời gian 2 tiếng.

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Minh Hải trong vai người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành

Theo gia đình vào kinh đô Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến những biến động của đất nước, gieo vào đầu óc thông minh của cậu bé những thắc mắc, những câu hỏi day dứt. Khi cha và anh ra Thanh Hóa chấm thi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung phải nếm trải tột cùng nỗi xót đau, mất mát khi mẹ và em trai mới chào lần lượt ra đi... Tác phẩm dần hé mở chân dung Bác Hồ, người có tư chất, tầm vóc, được tiếp thu nền tảng giáo dục từ gia đình, quê hương, được thời đại lịch sử hun đúc, rèn giũa để từng bước trưởng thành, từ Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Ba. Đó là một hành trình gian nan của Bác Hồ từ quê nhà Nghệ An tới kinh đô Huế, Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, bắt đầu "Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/ Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi" (Chế Lan Viên), để tìm đường cứu nước…

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 4.

2. Vở kịch hát là câu chuyện về lãnh tụ từ những năm đầu thế kỷ 20, được dàn dựng, phục vụ công chúng ngày nay, nên theo đạo diễn Trung Kiên, "phải mang được phong cách nghệ thuật của hôm nay, hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp. Chúng tôi dùng thủ pháp hồi ức, đồng hiện; tuân thủ phương pháp ước lệ của sân khấu dân tộc nhưng đó là phương pháp ước lệ mang nhiều yếu tố đương đại, chú trọng yếu tố nhạc, vũ, kịch...".

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Minh Hải (phải, vai Nguyễn Tất Thành) và nghệ sĩ Minh Nguyệt (vai Út Tâm)

Vở diễn có sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương - chủ đạo và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, bài Chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ ngọt ngào, nhuần nhị. Với tư duy hiện đại, NSND Trung Kiên đã kết hợp yếu tố dân tộc với đương đại với mong muốn vừa bảo tồn giá trị nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống, vừa tiếp thu tinh hoa sân khấu đương đại thế giới. Ngoài các kịch hát dân tộc mà cải lương là chủ đạo, vở kịch hát mang tính đương đại bởi nhạc giao hưởng được làm nền cho vở diễn...

Nợ nước non đã hội tụ dàn diễn viên tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam như: NSƯT Mạnh Hùng (vai Nguyễn Sinh Sắc), Như Quỳnh (vai Hoàng Thị Loan), Minh Hải (vai Nguyễn Tất Thành), Ngân Hà (Lê Thị Huệ), Xuân Thông (Nguyễn Quý Anh), Đức Hảo (vai lão Đạt), Xuân Hùng (vai Lui Edua Maisen), Thu Hiền (vai Marone), Minh Nguyệt (Út Tâm)…

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 6.

Hai cha con nghệ sĩ Minh Hải - Anh Đức đóng vai Nguyễn Sinh Cung (lúc nhỏ) và Nguyễn Tất Thành (trưởng thành)

Đặc biệt vở diễn có sự tham gia của hai cha con nghệ sĩ Minh Hải - Anh Đức vào vai Bác Hồ ở hai thời kỳ: khi là cậu bé Nguyễn Sinh Cung (thuở nhỏ) và khi là người thanh niên Nguyễn Tất Thành (thời kỳ trưởng thành). Đúng là "hổ phụ sinh hổ tử", ngoại hình, chất giọng đẹp, thần thái của cha đã truyền cảm hứng cho con, nên dù chỉ xuất hiện chỉ với phân đoạn ngắn khi gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Thị Loan ở Huế, song bé Anh Đức đã diễn xuất khá tự nhiên, xúc động, lấy đi bao nước mắt của khán giả.

 "Nợ nước non" xứng đáng với giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 7.

Diễn viên “nhí” Anh Đức diễn xuất tự nhiên, xúc động

Cùng dàn diễn viên gạo cội, tiếng hát của nghệ sĩ Lê Thanh Phong và diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ đã góp phần làm nên thành công vở kịch hát.

Cũng phải nói thêm, tạo hình thiết kế sân khấu kết hợp với hình ảnh trên màn hình LED làm sinh động thêm cho cảnh diễn. Khi dùng thủ pháp hồi tưởng, đồng hiện, khán giả được thưởng thức cảnh dòng sông Lam trong đêm trăng trữ tình; cảnh trên bến dưới thuyền dập dìu trai thanh gái lịch say sưa hát ví, giọng hò. Rồi, đó là cảnh mối duyên thiên của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan. Cảnh chào đời của bé Nguyễn Sinh Cung giữa mùa sen thơm thắm sắc hồng... Đặc biệt, kết thúc vở kịch là cảnh người thanh niên Nguyễn Văn Ba bước lên tàu Amiral Latouche Tréville ngày 5/6/1911 với mong muốn tìm đường cứu nước trong giai điệu vang ngân "Vạn dặm người đi lòng chứa chan cứu nước cứu dân..." do nghệ sĩ Mai Hoa thể hiện.

Để lan tỏa vở diễn, sau khi công diễn ở Hà Nội, vở kịch hát Nợ nước non đã về phương Nam biểu diễn, phục vụ công chúng...

18 giải thưởng Đào Tấn năm 2024

Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 đã trao 18 giải thưởng, trong đó có 11 giải thưởng cá nhân cho các văn, nghệ sỹ xuất sắc; 5 vở diễn xuất sắc của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và 2 giải đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc cho 2 đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.

Trong đó, ở hạng mục vở diễn sân khấu - hạng mục cơ bản của Giải thưởng Đào Tấn, 5 tác phẩm sân khấu của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp được trao Giải Vở diễn xuất sắc gồm: Vở chèo Mưa đỏ của Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng; Vở cải lương Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Vở kịch nói Mưa bóng mây của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hero Film Thành phố Hồ Chí Minh; Vở chèo Đại đội trưởng của tôi của Nhà hát Chèo Quân đội; Vở chèo Nắm xôi kỳ diệu của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Ở hạng mục giải thưởng dành cho cá nhân, Ban tổ chức đã trao tổng cộng 11 giải thưởng cho các cá nhân, là các văn nghệ sỹ có thành tích xuất sắc.

Trong đó, NSND Lệ Thủy được trao Giải Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân; Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng được trao Giải Nhà quản lý Văn hóa xuất sắc.

Ca sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Chính được trao Giải Ca sỹ, nhạc sỹ hát và viết về Thủ đô Hà Nội xuất sắc; Nghệ sỹ Dương Đình Trí được trao Giải Người sáng tạo chương trình xuất sắc; Nghệ nhân, thạc sỹ Vương Danh Thưởng được trao Giải Người đào tạo xuất sắc.

Các tác giả được trao giải Tác phẩm xuất sắc gồm: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với trường ca Những người lính của làng; Nhà thơ Trần Vũ Mai với Tuyển thơ Trần Vũ Mai; Nhà thơ Đỗ Nam Cao với Tuyển thơ Đỗ Nam Cao; Nhà điêu khắc Vương Duy Biên với tác phẩm Tượng đài Bác Hồ với miền Nam ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang; Nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan với cụm ba tác phẩm tượng Những người lính giữ đảoĐất đai và Lời ru mùa xuân; Nhạc sỹ Hình Phước Liên với ca khúc Bà về ngự chốn non tiên.

   

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng