Tài sản thừa kế lên giá 38 tỷ, ông lão 71 tuổi bất ngờ bị các em kiện ra toà

Trong khi các em tiêu tán tài sản thừa kế, ông Đức chưa bán dù chỉ một mét đất của cha mẹ. Sau hơn chục năm, phần tài sản của ông tăng lên 38 tỷ đồng khiến các em nổi lòng tham.

Sai lầm của anh trai

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, trong các vụ án từng tham gia, chị đánh giá có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp di sản thừa kế.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về quy định pháp luật, kiến thức pháp lý trong lĩnh vực Di chúc - Thừa kế.

Cha mẹ hoặc người để lại tài sản không nắm rõ quy định, cách thức nên làm giấy tờ không đúng, không có giá trị pháp lý. Vì vậy, khi họ qua đời, việc tranh chấp trong nội bộ của các hàng thừa kế sẽ xảy ra”, nữ luật sư cho biết.

Nguyên nhân thứ hai đến từ sự không rõ ràng, minh bạch của người để lại tài sản thừa kế. Họ mập mờ, hứa hẹn, sợ khi nói rõ ý định phân chia tài sản thì sẽ làm mất lòng các con, anh chị em trong nhà.

Việc đưa ra những thông tin không đúng đó dẫn đến tranh chấp sau này của người thừa kế.

Luật sư Quỳnh Như nêu ra một vụ án mà chị từng tham gia để phân tích nguyên nhân tranh chấp. Đó là vụ án tất cả anh chị em cùng đứng về một phía, kiện ông Phan Văn Đức (71 tuổi, TPHCM) để đòi chia tài sản thừa kế.

Khi cha mẹ còn sống, ông Đức là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Lúc đó, anh em ông Đức rất hòa thuận, vui vẻ.

Vì ông Đức gần gũi, sống chung nên nắm rõ tài sản của cha mẹ. Lúc qua đời, cha mẹ ông Đức không để lại di chúc. Họ dặn dò con trai đứng ra phân chia di sản thừa kế cho những đứa con khác.

Do kém hiểu biết về pháp lý, cho nên vào thời điểm đó, ông Đức không làm thủ tục kê khai và phân chia cho các em theo di sản thừa kế.

Ông lại đứng ra nhận toàn bộ tài sản, rồi làm thủ tục chuyển nhượng cho họ theo hợp đồng tặng cho”, luật sư Quỳnh Như cho biết.

Cha mẹ không để lại di chúc nên anh em ông Đức đưa nhau ra tòa. Ảnh minh họa: PX

Lòng tham che mắt

Sau khi chuyển nhượng cho các em, ông Đức giữ lại đúng phần tài sản như thỏa thuận.

Phân chia hoàn tất, các em ông Đức thi nhau bán đất, lấy tiền tiêu xài. Trong khi đó, ông Đức không bán dù chỉ một mét đất của cha mẹ để lại.

Qua thời gian, phần tài sản của ông Đức tăng lên 38 tỷ đồng.

Thấy tài sản của anh trai quá lớn, các em tập hợp nhau khởi kiện ông Đức ra tòa. Họ lập luận tài sản họ nhận trước đó là ông Đức cho tặng, còn phần này là phần còn lại của cha mẹ cho và họ chưa được chia.

Ở phiên tòa sơ thẩm, tòa nhận ra lập luận và chứng cứ từ phía các em ông Đức cho thấy, đúng là anh trai cho các em. Phần tài sản của ông Đức có nguồn gốc từ cha mẹ. Vì vậy, tòa tuyên ông Đức phải chia tiếp cho các em.

Tại phiên phúc thẩm, tòa nhận định bản chất trong trường hợp này, lần phân chia tài sản ban đầu chính là chia tài sản của cha mẹ. Lúc đó, các bên liên quan đã đồng ý với việc phân chia như thế. Cho nên, phần tài sản ông Đức đang quản lý là của ông và không chia tiếp.

Quá trình tranh chấp tài sản thừa kế, các em ông Đức đứng về một phía, cô lập anh trai. Ông Đức đau lòng, không chịu nổi cảnh “nồi da xáo thịt”. Vì vậy, ông không lên tòa để không lời qua tiếng lại với các em. Ông ủy quyền cho người đại diện theo đuổi vụ kiện.

Phiên tòa kết thúc, thắng thua được phân định nhưng ông Đức không hả hê, vui mừng. Ông vừa giận vừa tiếc nuối. Bởi ở tuổi này, cuộc đời ông không còn cơ hội làm lành với các em...

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Lời tòa soạn:

Tranh chấp tài sản thừa kế trong các gia đình không còn là chuyện hiếm. Sau những tranh chấp ấy, bất kể thắng thua ra sao, tình cảm gia đình cũng không còn được như trước. VietNamNet mở diễn đàn “Chia tài sản thừa kế”. Bài viết chia sẻ của bạn đọc, gửi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn

 

(theo Vietnamnet)