Trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024

Tối ngày 22-9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật Đào Tấn 2024 (Giải thưởng Đào Tấn 2024). Năm nay, giải thưởng đã được trao cho 11 cá nhân, 5 vở diễn của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và 2 đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.

Giải thưởng Đào Tấn nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Từ năm 2000 đến nay, giải thưởng do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam sáng lập và tiến hành thường niên, những tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ của các chuyên ngành văn học, sân khấu, âm nhạc… được nhận giải thưởng này đều là những nhân tố được người làm nghề cũng như đông đảo công chúng thừa nhận và là giải thưởng uy tín về văn học nghệ thuật. Rất nhiều cá nhân, tập thể được tôn vinh ở giải thưởng này đều trân trọng và coi đó là niềm khích lệ, động lực giúp họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo.

 

NSND Lệ Thủy nhận giải “Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân”

Năm nay, Ban tổ chức quyết định trao Giải “Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân” cho NSND Lệ Thủy, người đã có hơn 65 năm đóng đủ các loại vai diễn với tất cả niềm đam mê. Hiện đã 76 tuổi, nhưng bà vẫn thuyết phục được người yêu Cải lương bằng nét duyên mặn mà, chân phương cùng giọng ca ngọt ngào, say đắm. Ngay trong đêm trao giải, bà vẫn cất lên giọng ca Cải lương khiến cả khán phòng vỗ tay không dứt.

Giải “Nhà quản lý văn hóa xuất sắc” được trao cho Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng - TS Trần Thị Hoàng Mai, người có vai trò quan trọng trong việc đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng về văn hóa và thể thao của đất nước, khẳng định là trung tâm văn hóa lớn của đồng bằng Bắc Bộ.

Giải “Tác phẩm xuất sắc” được trao cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Trường ca Những người lính của làng, Nxb Hội Nhà văn; nhà thơ Trần Vũ Mai với Tuyển thơ Trần Vũ Mai, Nxb Hội Nhà văn; nhà thơ Đỗ Nam Cao với Tuyển thơ Đỗ Nam Cao, Nxb Hội Nhà văn; nhà điêu khắc Vương Duy Biên với tác phẩm tượng đài Bác Hồ với miền Nam ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang; nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan với cụm ba tác phẩm tượng: Những người lính giữ đảo, Đất đai và Lời ru mùa xuân; nhạc sĩ Hình Phước Liên với ca khúc Bà về ngự chốn non tiên.

Giải “Ca sĩ, nhạc sĩ hát và viết về Thủ đô Hà Nội xuất sắc” được trao cho ca sĩ -nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính với việc thể hiện cụm ca khúc về Thủ đô Hà Nội: Tiếng nói Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Mãi mãi tuổi thơ Hà Nội, Hoa sữa, Cảm xúc tháng Mười và các tác phẩm sáng tác: Kỷ niệm không quên, Nhớ quê, Đất nước huyền thoại, Việt Nam chân trời rộng mở.

Giải “Người sáng tạo chương trình xuất sắc” thuộc về nghệ sĩ Dương Đình Trí trong vai trò vừa là người sáng lập, vừa là tác giả, đạo diễn, ca sĩ chính của chương trình “Bước chân hai thế hệ” duy trì liên tục suốt 15 năm (từ 2009 đến nay), quy tụ đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ… tham gia với chất lượng nội dung, nghệ thuật ngày càng phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giải “Người đào tạo xuất sắc” được trao cho Nghệ nhân, Ths Vương Danh Thưởng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hát văn thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc. Trong 10 năm qua, ông đã đào tạo được hơn 100 cung văn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Chầu văn.

Cùng với các giải thưởng cá nhân, Ban Tổ chức cũng trao giải “Vở diễn xuất sắc” cho 5 vở diễn, bao gồm: vở chèo Mưa đỏ (Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng); vở cải lương Nợ nước non (Nhà hát Cải lương Việt Nam); vở kịch nói Mưa bóng mây (Công ty TNHH Hero Film TP.HCM); vở chèo Đại đội trưởng của tôi (Nhà hát Chèo Quân đội); vở chèo Nắm xôi kỳ diệu (Nhà hát Chèo Hà Nội).

Đáng chú ý là 2 giải “Đoàn Nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc” cho Đoàn tuồng bán chuyên xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và Đoàn tuồng bán chuyên thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nguồn động viên to lớn cho các nghệ sĩ dân gian khi họ còn gặp rất nhiều khó khăn để giữ gìn tuồng, giữ gìn nền tảng, chân đế cho sự phát triển của tuồng chuyên nghiệp.

Ngọc Bảo/TCVHNT