Không chỉ bày tỏ lo lắng về nguy cơ thua lỗ khi bị chiếm dụng vốn trong một thời gian dài, nhiều người bán cho rằng một số chính sách của Shopee rất khó chấp nhận, như quần áo được khách bận rồi vẫn cho trả lại...
Nhiều người bán cho rằng sàn Shopee đang bảo vệ người mua “một cách quá đáng”, trong khi bỏ rơi người bán hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện của Shopee khẳng định việc giữ số tiền giao dịch giữa người mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai phía.
Sàn này cũng cho biết không phải là đơn vị cho vay mà chỉ kết nối với các tổ chức tín dụng để cho người bán hàng đủ điều kiện mới được vay...
Gặp khó vì bị chiếm dụng vốn quá lâu
Là người có đến 3 shop bán hàng trên sàn Shopee, với doanh số khoảng 400-500 triệu đồng/tháng, anh H. cho biết ủng hộ việc kéo dài thời gian trả hàng nhưng không ủng hộ cách giữ tiền sau khi khách đã "hài lòng sử dụng sản phẩm".
Theo anh H., khi tham gia bán hàng trên sàn, chi phí rất lớn. Nếu có nhiều shop, chi phí và mức độ thiệt hại khi bị giữ tiền đến nửa tháng không hề nhỏ.
"Một mình tôi khoảng 400 triệu đồng, mà cộng đồng người bán hàng biết bao nhiêu con người. Như thế, số "vốn" mà Shopee giữ rất nhiều, trong khi người bán hàng còn phải chi trả nhiều chi phí khác", anh H. nói và cho rằng nếu bị chiếm dụng vốn lâu, nhiều người bán sẽ cầm chắc bị lỗ, có nguy cơ phải đóng shop hoặc tìm đến sàn khác bởi chi phí để duy trì hoạt động của các shop rất lớn.
Cụ thể, với doanh số 400 triệu đồng/tháng, anh H. liệt kê hàng loạt chi phí xung quanh việc kinh doanh trên sàn trong một tháng, như lương nhân viên đóng gói hai người 20 triệu đồng (bao gồm bữa trưa), tiền kho bãi 10 triệu đồng, tiền điện 1 triệu đồng, phí Shopee 12%, chi phí quảng cáo 6%, phí đóng gói 1%, rủi ro 2%, chi phí mềm 1%, thuế 1,5%...
Cũng thừa nhận những "khổ sở" của chủ shop có trăm đơn, nghìn đơn mỗi ngày khi Shopee giữ tiền hơn 15 ngày, chị Nguyễn Thị Ánh (TP.HCM, bán mỹ phẩm) than rằng tiền đang về nhanh bỗng về chậm, nhất thời chưa quen.
"Nhưng mà cái gì cũng có hai mặt, chính sách này cũng sẽ buộc chủ shop làm ăn uy tín, hàng thật như hình, hình thật như hàng khi đến tay khách hàng, loại dần những shop đi đơn theo số lượng chứ không nghĩ đến chất lượng", chị Ánh nói.
Trong khi đó, dù ủng hộ việc tăng trải nghiệm cho khách hàng, nhưng chủ shop N.Tâm cho rằng có những rủi ro và chi phí không phải lỗi do người bán nhưng người bán hàng lại lãnh đủ.
"Tăng trải nghiệm rõ ràng là người mua sẽ vui, thích nhưng không phải khách hàng nào cũng nghiêm túc. Đơn trả với lý do rất vô lý, quần áo mặc rồi Shopee vẫn cho trả và bắt người bán phải chứng minh mùi cơ thể là không thể chấp nhận được", vị này nói.
Cũng theo vị này, đây cũng là lý do khiến nhà bán hàng không còn đưa nhiều ưu đãi riêng cho khách hàng như trước.
"Hy vọng Shopee sẽ điều chỉnh lại theo hướng thực sự coi nhà bán hàng như những đối tác sòng phẳng. Có vậy các nhà bán hàng mới có thể hết lòng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, góp phần tạo nên nhiều công ăn việc làm cho xã hội", chủ shop N.Tâm nêu ý kiến.
"Găm tiền" để bảo vệ quyền lợi hai phía?
Vào cuối ngày 26-3, trả lời Tuổi Trẻ về việc sàn thương mại điện tử Shopee bị tố chiếm dụng vốn của người bán hàng rồi cho vay với lãi suất cao, đại diện sàn này cho biết dịch vụ SEasy cho vay người bán được Shopee giới thiệu từ tháng 8-2023, được cung cấp bởi đối tác của sàn là các tổ chức tín dụng được cấp phép và được cung cấp thông qua sàn thương mại điện tử Shopee.
"Chúng tôi không phải là đơn vị đứng ra cho vay. Các khoản cấp tín dụng sẽ được thực hiện bởi tổ chức tín dụng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật có liên quan. SEasy là một trong những hỗ trợ đi kèm của Shopee dành cho người bán. Người bán có thể cân nhắc sử dụng để đảm bảo sự liền mạch dòng tiền, giúp mở rộng kinh doanh trên nền tảng này một cách dễ dàng với chi phí hợp lý", đại diện sàn này thông tin.
Liên quan đến chính sách trả hàng, hoàn tiền trong vòng 15 ngày và tố cáo của người bán là bị giam tiền, chiếm dụng vốn, đại diện Shopee cho biết việc giữ số tiền giao dịch giữa người mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai phía.
Theo đó, người bán có thể được ghi nhận doanh thu đơn hàng vào số dư tài khoản Shopee.
Số tiền này sẽ được chuyển ngay cho người bán sau khi người mua bấm "Đã nhận được hàng", hoặc vào ngày thứ 8 trở đi kể từ khi đơn hàng được giao thành công và người mua không có yêu cầu trả hàng/hoàn tiền.
Hoặc sau khi hết thời hạn yêu cầu trả hàng/hoàn tiền, áp dụng cho đơn hàng cần Shopee xem xét. Với quy trình này, Shopee đóng vai trò trung gian kiểm tra và xử lý khiếu nại giữa người mua và người bán.
"Shopee sẽ có những chính sách điều chỉnh và giới hạn quyền lợi khi giao dịch tại sàn đối với người mua có dấu hiệu trục lợi đơn hàng. Đồng thời, chúng tôi cho phép người bán khiếu nại nếu quyết định đưa ra chưa thỏa đáng. Chúng tôi sẵn sàng phản hồi và đền bù cho người bán nếu các khiếu nại được xác định hợp lệ", đại diện Shopee nói.
Giải thích thêm những trường hợp nào được quyền trả hàng với lý do "đổi ý", đại diện Shopee cho biết lý do này chỉ áp dụng với những sản phẩm vẫn giữ được sự nguyên vẹn, nguyên tem, nguyên hộp sản xuất, đầy đủ phụ kiện, giấy tờ để người bán có thể tiếp tục sử dụng cho những đơn hàng tiếp theo.
"Sàn cũng có biện pháp với những yêu cầu trả hàng, hoàn tiền có dấu hiệu lạm dụng chính sách mới…", vị này nói.
Tạo thói quen xấu cho khách mua hàng?
Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài Shopee bị tố chiếm dụng vốn (Tuổi Trẻ ngày 26-3), trong khi các bạn đọc là người mua hàng đều lên tiếng ủng hộ kéo dài thời gian đổi trả hàng, những bạn đọc là các chủ shop trên sàn Shopee đã bức xúc lên tiếng về những bất hợp lý trong các chính sách được sàn này áp dụng.
Xem live bán quần áo trên Shopee - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chẳng hạn, bạn đọc Tuấn Nguyễn, người khẳng định là luôn bán hàng chính hãng có hóa đơn đầy đủ, cho rằng "Shopee luôn mượn cớ để đòi phạt tiền".
"Shopee còn cố tình không biết đã gửi chứng từ để phạt tiền, hàng trả về thì khách trả đủ Shopee trả thiếu, trả hàng về hư, hàng khách dùng rồi vẫn chấp nhận trả, shop chịu thiệt hết. Tiền thì giam lâu, thời gian chuẩn bị hàng càng ngày càng bị rút ngắn. Mình cũng đang dần chuyển sang nền tảng khác", bạn đọc này cho biết.
Trong khi đó, bạn đọc baotran cho rằng chính sách mới có thể làm cho người mua thoải mái, dễ chịu khi mua sắm nhưng "việc chiếm dụng vốn 15 ngày, hoàn tiền vô tội vạ như Shopee bây giờ" thì hoàn toàn không đồng ý.
"1 shop 1 ngày 10 đơn hơn 1 triệu thôi thì bao nhiêu shop, bao nhiêu tiền Shopee giữ? Người mua hàng đã sử dụng nhưng vẫn hoàn và Shopee cho hoàn, gây nên thói quen mua hàng xấu", bạn đọc này nhấn mạnh.
(theo TTO)