Giành được học bổng tiến sĩ Đại học Harvard: cựu học sinh chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM chia sẽ

Trịnh Ngọc Mỹ đã hoàn thành đại học chỉ trong 3 năm. Ở tuổi 21, cô đã có được suất học bổng toàn phần để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ).

Vốn là cựu học sinh chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhưng với học bổng này, Ngọc Mỹ chọn nghiên cứu về thực vật và tiến hóa trong 5 năm tới, tại một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới.

Bước ngoặt cuộc đời khi cựu nữ sinh chuyên văn nhận học bổng tiến sĩ về thực vật và tiến hóa

Mỹ nhận mình vốn thích đi đây đi đó, nên ngay khi vào THPT đã nhen nhóm ý tưởng du học và bắt đầu hành trình săn tìm học bổng đại học. Qua thầy cô, Mỹ được giới thiệu học bổng tại Trường Villa Maria Academy từ lúc phổ thông và nắm bắt liền cơ hội ứng tuyển.

Trịnh Ngọc Mỹ đã giành được học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard - Ảnh: NVCC

Kết quả, cô đã sang xứ cờ hoa học tiếp lớp 11 với phần học bổng được hỗ trợ 3/4 học phí. Phần còn lại gia đình đóng khoảng 20.000 USD/năm. Thời điểm đó, Mỹ ở nhà một người bản xứ, đến lúc lên đại học mới chuyển ra ký túc xá.

Chia sẻ lý do chọn Đại học Oberlin (bang Ohio), Mỹ nói ấy là một ngôi trường không lớn nhưng chính điều này lại giúp mình có cơ hội để học và được tiếp xúc với giáo sư nhiều hơn. Với Mỹ, Oberlin chính là lựa chọn hoàn hảo khi trường này được đánh giá là ngôi trường khai phóng mạnh về mảng sinh học mà cô chọn, cũng như đã hỗ trợ gói tài chính lớn cho Mỹ suốt thời gian đại học tại đây.

Vốn dân chuyên văn, Mỹ cũng chưa từng nghĩ sẽ chọn ngành sinh học bởi không cảm nhận được mình có tiềm năng gì ở mảng này. Thậm chí bạn tự nhận kiến thức sinh học căn bản mình có lúc ấy khá lung lay. Nhưng sau một thời gian, cô gái dần tìm thấy sự hứng thú với môn học này thông qua các lớp thí nghiệm.

"Việc thực hành tại nhiều phòng thí nghiệm đã giúp mình có cái nhìn sinh động hơn về cây cỏ, động vật... thay vì chỉ dừng lại ở lý thuyết trong sách giáo khoa. Điều này đã khơi gợi nguồn cảm hứng để mình nghiên cứu sâu hơn về chúng" - Mỹ nói.

“Tôi muốn trở thành giáo sư đại học. Còn Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào nếu phù hợp để phát triển sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu của bản thân, tôi sẵn sàng chuyển đến nơi đấy.” TRỊNH NGỌC MỸ

Vùi đầu trong phòng thí nghiệm

Hầu như suốt thời gian học đại học, Ngọc Mỹ gần như lúc nào cũng có mặt ở phòng thí nghiệm. Mỗi kỳ cô bạn tham gia ít nhất hai dự án nghiên cứu về sinh học tiến hóa và cá thể. Ngoài thời gian đó, người ta thường gặp Mỹ thực tập tại các vườn ươm, rồi làm quản lý truyền thông cho tạp chí khoa học của trường và hướng dẫn học sinh cấp III thực hiện dự án nghiên cứu.

Mỹ cũng hỗ trợ giảng viên quản lý phòng mẫu cây và quản lý kho lưu trữ hóa chất ở bộ phận hóa học. "Có thể việc tham gia nghiên cứu xuyên suốt thời gian học đại học đã là một điểm sáng trong hồ sơ xin học bổng tiến sĩ của mình" - Mỹ cười.

Làm chung phòng thí nghiệm với Ngọc Mỹ hai năm, Sarah Ellen Strickland - hiện học tiến sĩ tại University of Florida - kể chắc chưa từng thấy ai chăm chỉ và kiên định như Mỹ. Sarah Ellen Strickland bảo rằng cứ mỗi lần lên phòng thí nghiệm là gặp Mỹ ở đó, tưởng bạn ấy đang sống ở phòng thí nghiệm chứ không phải ở nhà.

Chinh phục các lớp về sinh học ở Oberlin, Mỹ được thầy khuyến khích học thẳng lên tiến sĩ vì có kinh nghiệm nghiên cứu khá tốt. Nộp hồ sơ 10 trường, Mỹ nhận kết quả đậu 8 trường. "Thật khó tin!" - nữ sinh vỡ òa cảm xúc khi nhận tin trúng tuyển vào ĐH Harvard, ngôi trường nổi tiếng với tiêu chí tuyển chọn khắt khe.

Mỹ tiết lộ ngoài các bước cơ bản như chuẩn bị bài luận, thư giới thiệu, bạn còn đặc biệt làm thêm động tác khác là gửi thư điện tử cho các giáo sư mình muốn nộp đơn và hẹn gặp để xác định xem có phù hợp với phòng thí nghiệm của họ không.

Theo cô , sự phù hợp về định hướng nghiên cứu, tiềm năng sau tiến sĩ và khả năng trình bày thuyết phục trước hội đồng tuyển sinh là yếu tố then chốt giúp mình giành được học bổng.

"Mình trình bày với hội đồng tuyển sinh hai việc đã làm xuyên suốt thời gian học cử nhân là đi dạy và nghiên cứu. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng trở thành giáo sư cho một trường đại học và có cho mình một phòng thí nghiệm về sinh học sau khi học xong tiến sĩ" - Mỹ kể.

Trải nghiệm học một tháng tại Harvard, Mỹ nói hiện đang hòa nhập khá tốt và chưa thấy áp lực gì khi học ở đây. "Mọi người rất hòa đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Giảng viên dạy khá nhanh nhưng mình vẫn đang theo kịp" - Mỹ khoe.

Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Dự án về loài Schiedea

Nghiên cứu về loài Schiedea là dự án nổi bật nhất và kéo dài lâu nhất của Mỹ. Đây là loài cây trong họ cẩm chướng sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Dự án này được Mỹ thực hiện ngay từ đầu khi vào đại học nhằm xác định quá trình tiến hóa của một trong những loài đặc hữu của Hawaii.

GS Stephen Weller (Đại học California tại Irvine) - người hướng dẫn Mỹ làm dự án Schiedea - nhận xét đây là dự án nghiên cứu tương đương bậc tiến sĩ. Thời gian hoàn thành dự án của Mỹ cũng nhanh một cách ấn tượng khi chỉ hai năm rưỡi, trong khi những dự án tương tự sẽ khoảng 3 - 5 năm.

Ngọc Mỹ đã hai lần thuyết trình dự án này trước hội thảo khoa học ở Mỹ. Dự án này giúp bạn tốt nghiệp xuất sắc Đại học Oberlin và nhận giải thưởng Nhà thực vật học trẻ của Hội Thực vật học Hoa Kỳ. "Ở các trường từng được mời phỏng vấn, phản ứng chung của các giáo sư khi đọc dự án này là ngạc nhiên vì không tin mình chỉ mất hai năm rưỡi để hoàn thành. Có lẽ đây cũng là yếu tố giúp mình trúng tuyển Harvard" - Mỹ chia sẻ.

 

PV (TH)