Các tỉnh thành Nam bộ đang bước vào cao điểm nắng nóng và hạn mặn. Đối với vựa lúa, cây ăn trái và tôm cá ĐBSCL còn đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, năm nay được dự báo ở mức cao.
Tại ĐBSCL, tình trạng hạn mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mức độ rủi ro ở cấp độ 2. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và triều cường ở khu vực cửa sông.
Vựa lúa ĐBSCL đang vào cao điểm khô hạn và xâm nhập mặn, mức độ rủi ro ở cấp độ 2-CÔNG HÂN
Dự báo xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 - 3.2024. Cụ thể là các đợt triều cường từ ngày 10 - 13.2; đợt từ ngày 22 - 27.2 và đợt từ ngày 7 - 12.3. Riêng đối với các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn cao điểm xâm nhập mặn vào tháng 3 - 4.2024; cụ thể có một số đợ vào kỳ triều cường từ ngày 7 - 12.3, từ ngày 22 - 27.3, từ ngày 7 - 12.4 và đợt từ ngày 21 - 26.4.
Dự báo chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính giai đoạn từ ngày 11 - 20.2 tại một số cửa sông như: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: phạm vi xâm nhập mặn 50 - 60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: phạm vi xâm nhập mặn 32 - 37km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 35 - 42km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 45 - 52km; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 50 - 57km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 25 - 32km.
Để ứng phó với nguy cơ hạn mặn tương đối cao Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khuyến cáo: "Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh".
Trước đó, ngày 15.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới. Các bộ: TN-MT, NN-PTNT chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế.
Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong), trong liên tiếp nhiều tuần qua, các đập thủy điện thượng nguồn liên tục duy trì lượng nước xả trên 1 tỉ mét khối mỗi tuần để phục vụ cho hoạt động sản xuất điện. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giảm thiểu các hoạt động xả nước trong mùa khô. Mực nước sông trên toàn lưu vực gần như ở mức bình thường vào thời điểm này trong năm. Còn tại hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia), mực nước thấp hơn bình thường khoảng 0,70m so với trung bình nhiều năm trước.
(theo thanhnien.vn)