Tin nhầm chỗ, nhiều sinh viên miền Tây 'tiếp tay' vòng quay lừa đảo

Nhiều người bị cuốn vào vòng quay lừa đảo khi lòng tin đặt nhầm chỗ để rồi mất trắng số tiền lớn lên đến vài tỉ đồng, khả năng thu hồi rất mong manh.

Tin tưởng nhầm chỗ, nhiều người mất tiền tỉ không có khả năng thu hồi - Minh họa: DAD

Không chỉ vậy, những chiêu trò lừa đảo còn nhắm đến các bạn sinh viên ở miền Tây. Bằng sự tinh vi có tổ chức, kẻ lừa đảo đã trục lợi dựa trên việc lợi dụng sinh viên đang cần tìm việc làm thêm trang trải học phí.

“Trong tích tắc P. chụp hình em đang cầm sản phẩm, liền sau đó lật sẵn chỗ ký tên trên mấy tờ giấy. Em chưa kịp nhìn mình sẽ ký cái gì thì P. bảo cứ ký tên thôi không cần đọc nội dung. Rồi đến chiều cùng ngày em được trả 400.000 đồng tiền mặt, còn đứa bạn của em thì được nhận 400.000 đồng chuyển khoản.” Em N.T.T. (Cần Thơ)

Cho sinh viên nhận tiền "tươi"

Mới đây TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền hưởng lợi bất chính của các bị cáo lên đến hàng tỉ đồng. Các bị cáo đánh bóng tạo vẻ hào nhoáng mang mác giàu có để có được lòng tin của bị hại.

Hội đồng xét xử TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt T.Q.A.Đ. (24 tuổi, ngụ quận Cái Răng, Cần Thơ) mức án 15 năm tù và T.N.D.P. (36 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) mức án 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Đ. không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền tiêu xài, Đ. tìm hiểu và biết được cách thức mua hàng thông qua hình thức vay trả góp tại các công ty tài chính làm thủ tục đơn giản. Từ đó Đ. tự cho mình là nhân viên cửa hàng Thế giới di động và đang chạy doanh số cho cửa hàng. Sau đó Đ. tìm và kết bạn với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và người lao động tự do trên địa bàn quận Ninh Kiều thông qua các trang mạng xã hội.

Đ. nhờ các sinh viên giả làm khách hàng mua sản phẩm dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền để trả góp. Khách hàng khi nhận được sản phẩm thì giao cho Đ. để trả lại cho cửa hàng và hợp đồng vay này sẽ tự hủy sau vài ngày.

Đ. trả thù lao cho mỗi sinh viên 400.000 đồng/hồ sơ, nếu giới thiệu bạn bè sẽ được trả thêm từ 150.000 - 200.000 đồng/hồ sơ. Từ tháng 1 đến tháng 7-2021, Đ. một mình thực hiện hành vi tự tạo thông tin khách hàng giả gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại..., sau đó dẫn dắt sinh viên đến cửa hàng do Đ. chỉ sẵn để ký hợp đồng. Sau khi nhận được sản phẩm, Đ. mang đi bán chiếm đoạt tiền.

Từ tháng 10 đến tháng 12-2021, Đ. cùng với P. tiếp tục lừa sinh viên đóng giả khách hàng để ký các hợp đồng vay tiền mua sản phẩm điện tử. Sinh viên do tin tưởng vào việc giúp Đ. chạy doanh số kinh doanh cho cửa hàng nên đồng ý ký tên vào các hợp đồng, thực chất sinh viên không biết việc Đ. và P. đã gian dối để chiếm đoạt tiền.

Với thủ đoạn trên, Đ. và P. thực hiện làm giả 363 hợp đồng, chiếm đoạt tài sản của bốn công ty tài chính với số tiền hơn 6,4 tỉ đồng.

Tại tòa, cả Đ. và P. thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Nói lời sau cùng, cả hai gửi lời xin lỗi đến các sinh viên và những người khác mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời. Trong vụ án này, tòa đã triệu tập 299 người, phần lớn là sinh viên.

Trò chuyện với chúng tôi, bạn N.N.Đ. (quê An Giang) kể em vừa học vừa làm shipper mà lúc đó đơn hàng ít quá, mỗi ngày lèo tèo vài đơn hàng nên nghỉ và loay hoay tìm việc khác. "Hôm đó người bạn cùng dãy nhà trọ bảo là có việc làm giới thiệu cho em mà xong việc nhận thù lao tiền "tươi" luôn.

Nghe vậy em mừng lắm! Không lâu sau em được Đ. dẫn đến một cửa hàng điện thoại di động. Vừa vào đã có nhân viên đưa sẵn một hộp điện thoại hiệu iPhone rồi kêu em cầm cái điện thoại lên chụp hình và ký tên vào hợp đồng. "Nhiệm vụ" xong em được nhận liền 400.000 đồng tiền mặt. Anh Đ. kêu em giới thiệu thêm bạn rồi ảnh trả thêm cho 200.000 đồng/người nữa, nhưng em không giới thiệu thêm ai", bạn N.N.Đ. nhớ lại.

Em V., một nạn nhân khác, kể được Đ. dẫn đến một cửa hàng nằm sâu trong con hẻm. Đến nơi cửa hàng đóng cửa, lúc này Đ. gọi điện thoại thì có người ra mở cửa và dẫn V. vào. Sau đó có người đưa cho V. một cái MacBook và kêu cầm lên để chụp ảnh. Vừa chụp xong Đ. đưa cho V. hợp đồng kêu ký tên vào và nhận được 400.000 đồng thù lao.

Kẻ xấu dựa vào việc sinh viên cần tìm việc, kiếm tiền làm thêm để trang trải chi phí học tập khi xa quê để rồi dẫn dụ sinh viên ký tên vào hàng trăm hợp đồng khống. "Từ sau vụ bị gạt em rút ra được bài học "để đời" không nên tin tưởng vào vẻ hào nhoáng bên ngoài, làm gì cũng cân nhắc kỹ lưỡng.” N.N.Đ. tâm sự

Tin tưởng vào tình chị em

Vừa qua TAND TP Cần Thơ cũng xét xử và tuyên phạt N.P.T.U. (47 tuổi, ngụ quận Cái Răng, Cần Thơ) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời buộc bị cáo trả cho bị hại hơn 1,5 tỉ đồng theo phương thức trả hằng tháng như đã thỏa thuận tại tòa.

Theo hồ sơ, U. quen biết bà N.T.M. và V.N.H. khi cùng đi làm căn cước công dân ở địa phương. Lúc này biết bà M. và H. nhà có điều kiện kinh tế, U. nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản để trả nợ và chi xài cá nhân.

Trong tháng 10-2022, U. nói dối bản thân đang kinh doanh bất động sản theo hình thức lướt sóng (tức sau khi đặt cọc thì bán ngay cho người khác), có nhiều mối quan hệ và có em gái tên P. chuyên kinh doanh bất động sản có giá trị lớn. U. đã rủ bà M. và H. cùng hùn vốn kinh doanh mua bán nhà, đất để kiếm lời chia nhau.

Lần đầu hùn 40 triệu đồng, lần sau 150 triệu đồng. Chỉ vài ngày sau, U. lại nói dối đã bán được và liền trả tiền gốc, tiền lời khiến hai người càng tin tưởng hơn.

Nhiều lần sau, chỉ cần U. kêu đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản thì hai người đưa ngay mà không chút nghi ngờ. Tổng số tiền hai người đưa cho U. lên đến 6,8 tỉ đồng.

Theo vị đại diện viện kiểm sát, U. dùng số tiền trục lợi hàng tỉ đồng chủ yếu đổ vào việc học lái ô tô, mua vàng, mua mỹ phẩm, đi thẩm mỹ viện... Một vị hội thẩm nhân dân nhấn mạnh vụ án lần này xem như bài học cho mọi người đừng quá tin tưởng vào những lời dụ dỗ ngon ngọt để rồi trắng tay. Hãy cảnh giác trước việc bị lợi dụng lòng tin và bị gạt một cách mù quáng như vậy.

     

(theo TTO)