Việt - Úc nâng tầm quan hệ ngoại giao: Cơ hội cho ĐBSCL

Phó Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Ciaran Chestnutt khẳng định việc nâng cấp quan hệ Việt - Úc sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác ở ĐBSCL, nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vừa qua, Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM đã tổ chức chuyến tham quan các dự án được chính phủ Úc hỗ trợ đã và đang được triển khai ở ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu dành cho các cơ quan báo, đài trên cả nước.

Nhân dịp này, PV đã có cuộc phỏng vấn với Phó Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM Ciaran Chestnutt về tình hình hỗ trợ của Úc ở ĐBSCL, đặc biệt là việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Tổng lãnh sự Úc Ciaran Chestnutt thăm dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở ĐBSCL tại Đồng Tháp. Ảnh: ĐỨC HIỀN Nguồn hỗ trợ Úc bền bỉ “chảy” vào ĐBSCL

. Phóng viên: Thưa ông, dường như nguồn viện trợ phát triển của Úc đã và đang “chảy” mạnh vào ĐBSCL, đặc biệt là việc hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu?

+ Phó Tổng lãnh sự Úc Ciaran Chestnutt: Như bạn đã biết, ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng với kinh tế Việt Nam (VN) và là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm những vấn đề về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu. Đó cũng là lý do phần lớn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài của chính phủ Úc dành cho VN tập trung nhiều vào ĐBSCL.

. Cụ thể ra sao, thưa ông?

+ Kể từ năm 2000 đến nay, hơn 650 triệu AUD vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) của Úc đã được rót vào ĐBSCL, con số này không bao gồm hai công trình mà Úc hỗ trợ xây cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh. Trong năm tài chính 2023-2024, tổng vốn ODA của Úc đầu tư vào VN là 95,1 triệu AUD. Cạnh đó, trong chuyến thăm VN hồi tháng 8-2023, Ngoại trưởng Úc Penny Wong công bố gói hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL trị giá 94,5 triệu AUD giai đoạn 2023-2034.

Trên bình diện rộng hơn, Úc cũng đang triển khai chương trình quan hệ đối tác Mekong - Úc (MAP), trong đó các quốc gia lưu vực sông Mekong sẽ được hỗ trợ nhằm tăng khả năng phục hồi cũng như tăng trưởng toàn diện và bền vững. Gần đây, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Úc, Ngoại trưởng Penny Wong đã công bố giai đoạn 2 của MAP trị giá 222,5 triệu AUD trong năm năm tới với trọng tâm là cải thiện an ninh nước, ứng phó với biến đổi khí hậu... Như vậy một phần trong gói hỗ trợ đó cũng sẽ đến với VN.

Phó Tổng lãnh sự Úc Ciaran Chestnutt (giữa) thăm khu nuôi tôm ở rừng ngập mặn tại Cà Mau. Ảnh: ĐỨC HIỀN

“Đây là thời điểm tuyệt vời để nói về quan hệ Việt - Úc. Năm ngoái hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương và năm nay đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất - đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hai nước đang ở giai đoạn thăng hoa và ngày càng gắn kết dựa trên ba nền tảng là hợp tác kinh tế bổ sung cho nhau, có lợi ích chung và quan hệ nhân dân bền vững.” Phó Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM CIARAN CHESTNUTT.

Quan hệ mới tạo đà cho hợp tác ở ĐBSCL

. Thưa ông, việc VN và Úc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ làm cho việc hợp tác ở ĐBSCL, nhất là trong nỗ lực thích nghi với biến đổi khí hậu, biến chuyển ra sao?

+ Việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vừa là sự công nhận mức độ gần gũi và sâu sắc của mối quan hệ song phương, vừa là cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này trong tương lai.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, gồm năm trụ cột chính là hợp tác kinh tế; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; an ninh quốc phòng; biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng. Trong đó, hợp tác về biến đổi khí hậu, môi trường là một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Úc.

Vì vậy, với trọng tâm đó và tầm quan trọng của việc hợp tác ở ĐBSCL, tôi tin chắc rằng hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong lĩnh vực này.

. Để sự hỗ trợ từ phía Úc cho ĐBSCL được triển khai một cách hiệu quả, ông nghĩ hai bên cần làm gì?

+ Để triển khai các dự án một cách hiệu quả, chúng tôi sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác, cần tư vấn, hợp tác của các chuyên gia và người dân địa phương, bởi chúng tôi là khách, chúng tôi không sống ở đây và không thông thuộc khu vực này bằng những đối tượng đó. Vì vậy, chúng tôi rất cần những cái nhìn sâu sắc và chuyên môn đó nếu muốn hỗ trợ VN trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cạnh đó, trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có một trụ cột khác là hợp tác về đổi mới sáng tạo. Vì vậy, khi chúng ta kết hợp trụ cột biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Do đó, tôi nghĩ rằng Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ VN theo xu hướng đó.

. Xin cảm ơn ông.•

Nuôi tôm ở rừng ngập mặn: Vừa giữ rừng vừa tăng thu nhập

Trong chuyến thực địa, các cơ quan báo, đài đã có dịp thăm một số dự án được Úc hỗ trợ tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ.

Chia sẻ với PV, Phó Tổng lãnh sự Úc Ciaran Chestnutt bày tỏ hào hứng với chuyến thực địa này, đặc biệt là dự án Mở rộng quy mô nuôi tôm ở rừng ngập mặn thích ứng với khí hậu được Úc tài trợ 1,5 triệu AUD trong giai đoạn 2023-2025 tại Cà Mau.

Dự án này trang bị cho người dân những kỹ thuật nuôi tôm để vừa cải thiện chất lượng tôm vừa duy trì và phát triển rừng ngập mặn. Khi tham gia vào dự án và đảm bảo quy định về nuôi tôm, những nông hộ đó sẽ được cấp chứng nhận tôm sạch, rộng đường cho xuất khẩu.

Tôi đã trò chuyện với những nông dân nuôi tôm và tôi thấy rằng họ rất ủng hộ và luôn đồng hành cùng dự án. Tôi thấy rằng dự án này rất có ý nghĩa bởi không chỉ giúp ích cho việc giữ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giúp tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện sinh kế” - ông Chestnutt chia sẻ.

     

(the PLO)