Không mở hé cửa hoặc cửa sổ căn hộ chung cư khi gió bão

Một số ý kiến cho rằng việc mở cửa có thể làm giảm chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài của căn nhà. Tuy nhiên, theo chuyên gia xây dựng, khi có gió bão lớn, không được mở cửa.

Bão số 3 Yagi càn quét qua TP Hạ Long, hàng loạt nhà hàng, khách sạn bị vỡ tung cửa kính.

Tại Hà Nội, gió liên tục mạnh thêm. Người dân sống trong các chung cư cao tầng cảm nhận rõ áp lực của gió bão tác động lên cửa ban công, cửa sổ. Nhiều gia đình “gia cố” cửa sổ, cửa ban công bằng bao cát hay đặt bàn, ghế chặn từ bên trong.

“Gia cố” cửa ban công chung cư bằng bao cát. Ảnh: Hạnh Thuý

Trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến cho rằng, nên mở hé cửa/cửa sổ hoặc một ô cửa nào đó của nhà để có lối thông gió, giảm áp suất không khí trong nhà, như vậy sẽ giảm nguy cơ tốc mái, vỡ cửa kính…

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: Khi có gió bão lớn, các căn hộ chung cư không được mở cửa, cửa sổ hay cửa ban công.

Nếu mở cửa sẽ có hiện tượng gió thổi vào và cuốn đồ đạc ra ngoài. Tốt nhất là đóng cửa. Tải trọng gió sẽ truyền theo đúng với sơ đồ tính toán của kết cấu bao che”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, đối với cửa kính khu vực sảnh các chung cư, toà nhà… lại cần được mở và cố định cánh cửa theo hướng vuông góc. Chuyên gia lý giải, do cửa ở các sảnh thường có diện tích lớn thuộc mặt dựng, thường không có các cột để đỡ. Nếu đóng vào thì dưới áp lực của gió kính sẽ bị vỡ.

Người dân dùng bàn ăn để chặn bên trong cửa kính ban công. Ảnh: Thu Hà

Theo ThS. KTS Cao Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA, khi đóng kín vẫn có độ hở giữa cánh, khung giữa cửa và sàn chứ không phải không có không khí tuyệt đối. Trong gió bão, khi cửa có khe hở người dân còn lấy quần áo để nhét vào.

Ngoài ra, với gió mạnh của các cơn bão, bất kỳ thứ gì từ một viên đá nhỏ đến cửa kính, mái tôn, viên ngói… đều có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Do đó, đóng chặt các cửa, cửa sổ có thể giúp ngăn các mảnh vỡ bay vào nhà.

Dán băng keo chống nứt dọc theo các đường viền của cửa

Chia sẻ về các phương pháp gia cố cửa mùa mưa bão, ThS. KTS Cao Hoàng Anh cho biết, đối với cửa sổ, cửa đi cần kiểm tra độ bền chịu va đập, độ bền trước áp lực gió, độ kín nước, độ lọt khí…

Bên cạnh đó, cần kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo quản chống mối mọt, nấm mốc, đặc biệt đối với cửa ngoài hoặc cửa đặt ở nơi ẩm ướt thường xuyên. Kiểm tra nước mưa có lọt vào phía dưới thanh cái ngang đáy và kiểm tra ngăn gió lùa qua khe cánh cửa với khuôn cửa, hoặc giữa hai cánh cửa.

Kiểm tra để đảm bảo kính được gắn chặt vào các mối liên kết của khung cánh, trường hợp nhận dạng được sự lỏng lẻo trong liên kết giữa khung cửa và tường, kính và đố hay cánh, cần gia cố lại bằng tắc kê để tăng độ liên kết giữa khung vào tường hay dán keo tăng liên kết kính vào đố …

Có thể thực hiện dán băng keo chống nứt dọc theo các đường viền của cửa. Hoặc có thể dán chéo qua cửa kính tạo ra các khung hình chữ X, hình thoi, chữ nhật để giảm áp suất gió tác động lên bề mặt. Băng keo có tác dụng gia cố thêm kết cấu kính giảm lượng gió lùa, làm chắc chắn, giảm nguy cơ nứt, rạn nứt nếu bị va đập. Ngoài ra, cần kiểm tra, cài chặt các then, chốt cửa đi, cửa sổ. Neo cửa bằng đòn tre, gỗ, sắt vào tường nhà để chống gió giật bung cửa.

Đối với nhà có vách kính lớn như shophouse, nhà triển lãm, cửa hàng có thể dùng các xe tải, xe bồn, xe container đặt sát vách tấm kính lớn nhằm hạn chế tải trọng gió tác động”, ông Hoàng Anh cho hay.

Kính cường lực vỡ trong cơn bão số 3 tại Hà Nội. Ảnh: Hạnh Thuý

Hiện nay, tại nhiều công trình, lan can thường được làm bằng kính cường lực. Theo chuyên gia, chủ nhà nên dán film PVB mặt ngoài. Trường hợp có xảy ra vỡ, nổ cũng không bị nổ thành các mảnh vụn hạn chế nguy hiểm đối với người sử dụng.

Lưu ý về việc thiết kế thi công cửa, vách kính cho công trình nhà ở nhà cao tầng, nhất là vùng hay xảy ra mưa bão, Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA cho biết, cần thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn hiện hành chống gió bão, kính chịu áp lực áp lực gió theo TCVN 2737.

Từ các số liệu thực tế thu thập như chiều cao công trình, áp lực cấp gió bão đo được trong lịch sử, tải trọng, vị trí công trình đưa ra phương án thiết kế kính để đảm bảo an toàn cho các vách kính, cửa sổ có thể chịu tải trọng khi có gió bão lớn.

Ngoài sử dụng phương án thiết kế cửa kính theo hệ lắp ghép khung xương thông dụng, cần xây dựng thêm các phương án gia cố cửa kính vách kính để tăng thêm khả năng chịu lực như sử dụng hệ lắp ghép khung kính kiểu môđun, hệ dạng đỡ điểm (hệ chân nhện), hệ sườn kính, hệ dây căng… sử dụng các loại kính cường lực có khả năng chịu gió bão”, ông Cao Hoàng Anh nói.

   

(theo Vietnamnet)