An Giang: Mua đấu giá khu đất bao gồm lối đi chung, 1 công ty được tòa tuyên trả lại 3 tỉ

Công ty mua đấu giá khu đất nhưng đến khi làm giấy tờ mới biết phần đất này bao trùm một lối đi chung hơn 626 m2 nên kiện cơ quan thi hành án trả lại 3 tỉ và được tòa chấp nhận.

TAND tỉnh An Giang mới đây đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa nguyên đơn là công ty D và bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Mua đấu giá mảnh đất bao trùm lối đi chung, công ty D được tòa tuyên trả lại 3 tỉ. Ảnh minh họa AI

Vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của người liên quan là một ngân hàng.

Mua đấu giá tài sản hơn 158 tỉ “dính” lối đi chung

Theo hồ sơ, phía nguyên đơn trình bày, công ty mua đấu giá tài sản của công ty V do Chi cục THADS TP Long Xuyên phát mãi để thi hành án cho ngân hàng, theo hợp đồng mua bán tài sản cuối năm 2021.

Tài sản gồm diện tích đất gần 22.000 m2 do công ty V đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là máy móc, thiết bị sản xuất, với tổng số tiền hơn 158 tỉ. Công ty D đã giao trả đủ số tiền trên cho Chi cục THADS.

Khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, thì trong diện tích đất nêu trên có hơn 626 m2 là lối đi chung của nhiều hộ dân xung quanh. Vì vậy người dân và chính quyền địa phương không đồng ý cấp giấy đất cho công ty D có phần lối đi chung này. Từ đó, Sở TN&MT không cấp giấy đất cho công ty. Công ty phải làm văn bản đề nghị cấp giấy đất sau khi trừ diện tích lối đi chung này mới được cấp.

Đối với phần lối đi chung không được cấp giấy, công ty khởi kiện yêu cầu Chi cục THADS trả lại tiền mà công ty đã thanh toán là hơn 3,2 tỉ, sau đó công ty rút lại số lẻ, chỉ yêu cầu hoàn lại 3 tỉ.

Phía bị đơn là Chi cục THADS thống nhất với các phần trình bày của nguyên đơn nêu trên. Hiện tại, bị đơn đang giữ số tiền 3 tỉ, tương ứng với giá trị diện tích đất lối đi chung nêu trên. Nguyên đơn không được sử dụng và không được cấp giấy cho phần đất nêu trên vì có hiện trạng là lối đi chung. Vì vậy, bị đơn đồng ý hoàn trả nguyên đơn 3 tỉ nhưng phía ngân hàng là người được thi hành án không đồng ý. Bị đơn sẽ thực hiện theo quyết định của tòa án.

Đại diện ngân hàng cho rằng đã nhận thế chấp phần đất hơn 22.000 m2 đất của công ty V đúng quy định. Nguyên đơn mua đấu giá phần đất trên và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền giảm diện tích tích hơn 626 m2. Vì vậy, phía ngân hàng không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị tòa giải quyết đảm bảo quyền lợi của ngân hàng.

Xét xử sơ thẩm, TAND TP Long Xuyên chấp nhận một phần yêu cầu của công ty D, buộc Chi cục THADS TP Long Xuyên trả cho công ty D 3 tỉ.

Phía ngân hàng đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa: Đường đi có từ trước khi cấp giấy đất

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang đã dẫn lại các văn bản nêu ý kiến của chính quyền địa phương và Sở TN&MT liên quan phần đất là lối đi chung nêu trên.

Ngoài ra, qua xem xét, thẩm định tại chỗ khu đất, tòa nhận thấy, cơ sở sản xuất kinh doanh của công ty V có tường xây bao xung quanh, tiếp giáp là đường đi chung do người dân đang sử dụng. Đường này được ghi nhận tại hồ sơ kỹ thuật khu đất năm 2005…

Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng, đường đi chung đã hình thành từ trước thời điểm cấp giấy đất cho công ty V. Công ty V không phản đối việc người dân sử dụng đường đi chung và không phản đối việc UBND TP Long Xuyên đầu tư nâng cấp đường đi cho dân từ đường đất thành đường bê tông. Sự việc này mọi người đều biết và thừa nhận.

Đến thời điểm ngân hàng thẩm định tài sản cho vay và nhận thế chấp diện tích gần 22.000 m2 kèm hồ sơ kỹ thuật khu đất có ghi nhận hiện trạng đường đi trong phạm vi diện tích đất nêu trên. Ngân hàng biết rõ nhưng không phản đối tức là ngân hàng thừa nhận trong phạm vi diện tích đất này có hiện trạng đường đi chung do người dân sử dụng.

Từ đó, tòa cho rằng, tuy hợp đồng mua bán tài sản giữa thi hành án và công ty D thực hiện đúng trình tự, thủ tục về mặt hình thức; tuy Công ty D đã thanh toán đủ tiền mua diện tích gần 22.000 m2 đất, nhưng nội dung của hợp đồng này có một phần đối tượng của hợp đồng không thực hiện được ngay từ thời điểm xác lập, đó là diện tích hơn 626 m2 đất có hiện trạng là lối đi chung.

Vì vậy, căn cứ vào Điều 408 của BLDS 2015 thì hợp đồng mua bán trên bị vô hiệu một phần đối với diện tích hơn 626 m2 đất.

Ngoài ra, tòa cũng cho rằng việc công ty D có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy cho phần đất hơn 626 m2 đất lối đi chung không phải là lý do để cơ quan có thẩm quyền không cấp giấy. Vì thực tế đường đi chung đã được người dân sử dụng đi lại trong sinh hoạt đời sống hàng ngày ổn định từ trước thời điểm cấp giấy cho công ty V.

Vì vậy, công ty D yêu cầu được nhận lại số tiền đã thanh toán cho phần diện tích đất hơn 626 m2 đất là phù hợp. Tuy nhiên, nguyên đơn chỉ yêu cầu nhận lại 3 tỉ, đây là sự tự nguyện của công ty, tòa sơ thẩm buộc Chi cục THADS hoàn trả 3 tỉ là có cơ sở. Do đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ngân hàng.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vụ án và để có cơ sở cho Chi cục THADS TP Long Xuyên hoàn lại số tiền 3 tỉ cho công ty D, tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản giữa Chi cục THADS TP Long Xuyên với công ty D vô hiệu một phần đối với diện tích hơn 626 m2; buộc cơ quan thi hành án hoàn trả cho công ty D 3 tỉ.

 

(theo PLO)