Nếu cho người không đủ điều kiện mượn xe, chủ phương tiện có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý, nhất là trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Hôm 21.2, Công an H.Lương Sơn (Hòa Bình) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến (23 tuổi, trú trên địa bàn) về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
Trước đó, Tuyến cùng nhóm bạn ngồi nhậu, lát sau một người trong nhóm mượn xe máy của Tuyến để đi đón bạn. Trên đường, người này va chạm với một người đi xe máy khác, khiến cả hai tử vong. Công an xác định trong máu của người mượn xe của Tuyến có nồng độ cồn, Tuyến biết người này không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn cho mượn xe, dẫn đến tai nạn giao thông.
Bùi Văn Tuyến (23 tuổi, trú tại Hòa Bình) bị khởi tố vì cho người khác mượn xe rồi gây tai nạn chết người-HOÀNG TUÂN
Tháng 10.2023, một vụ án khác xảy ra tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trần Hoàng Việt (19 tuổi, trú trên địa bàn) cho nam sinh lớp 11 mượn xe máy; quá trình lưu thông, nam sinh va chạm với phương tiện khác, khiến một bé gái bị thương tích 97%. Cơ quan tố tụng xác định Việt biết nam sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn cho mượn xe, khiến hậu quả xảy ra. Việt bị khởi tố vì tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài 2 trường hợp trên, thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ việc chủ phương tiện vướng lao lý vì cho người khác mượn xe. Vì sao họ bị khởi tố dù không trực tiếp gây ra tai nạn? Trường hợp có người mượn xe, chủ phương tiện nên làm gì để tránh gặp phải hậu quả tương tự?
Bị phạt tiền, thậm chí phạt tù
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) viện dẫn điều 30 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 6 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 1,6 triệu đồng đến 12 triệu đồng (đối với tổ chức) nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông, mức phạt tùy vào loại xe là mô tô, xe gắn máy hay ô tô, máy kéo…
Trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện mà gây ra tai nạn chết người hoặc thương tích từ 61% trở lên, chủ phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, quy định tại điều 264 bộ luật Hình sự. Với tội danh này, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù, tùy vào mức độ hậu quả.
Vậy theo quy định, như thế nào được coi là đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ? Luật sư Tâm cho hay người lái xe phải đủ sức khỏe, đủ tuổi tương ứng với từng loại xe (16 tuổi trở lên đối với xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; 18 tuổi trở lên đối với xe mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh có dung tích xi-lanh 50 cm3 trở lên; ô tô tải, ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; 21 tuổi trở lên đối với ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên…); đồng thời phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, khi điều khiển phương tiện, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau: đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đối chiếu với 2 vụ việc nêu ở trên, cả 2 chủ phương tiện đều được đào tạo kiến thức (trong quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe), buộc phải biết rằng khi cho mượn xe thì người được giao xe phải đảm bảo các điều kiện như đã nêu.
Tuy nhiên, dù biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện (có nồng độ cồn hoặc chưa đủ tuổi), các chủ xe vẫn cố tình giao xe, dẫn tới hậu quả là các vụ tai nạn giao thông. Mặc dù không trực tiếp gây ra hậu quả nhưng chủ xe phải chịu trách nhiệm gián tiếp, bởi lẽ khi giao xe cho người không đủ điều kiện thì họ phải thấy được nguy cơ mà người mượn xe có thể gây ra. Đây chính là lý do các chủ phương tiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng cần nhìn nhận thêm rằng nhiều trường hợp cho mượn xe là vì cả nể, thiếu hiểu biết pháp luật, không nghĩ đến và không mong muốn hậu quả xảy ra. Do đó, khi giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có thể xem xét đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ.
Làm gì để tránh phiền toái?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), ở một số quốc gia, việc mượn xe và cho mượn xe là rất hy hữu; nhiều người có thể sẵn sàng bỏ tiền để thuê xe dịch vụ cho bạn chứ cương quyết không cho mượn. Lý do, việc mượn và cho mượn phương tiện giao thông tiềm ẩn rủi ro, phiền toái về pháp lý.
Thứ nhất, nguy cơ rủi ro đến từ việc phạt nguội, mất hoặc hư hỏng tài sản. Nhiều trường hợp người mượn không may làm mất xe. Trên lý thuyết, người mượn sẽ phải bồi thường cho chủ xe, nhưng khi nào bồi thường và bồi thường bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào khả năng của người mượn. Có trường hợp hai bên mâu thuẫn, có trường hợp người mượn mang xe đi cầm cố hoặc bán, khiến cơ quan chức năng phải xử lý.
Thứ hai, xe cộ là nguồn gây nguy hiểm; nếu có tai nạn, chủ xe sẽ phải tham gia giải quyết. Nếu có vi phạm (giao xe cho người không đủ điều kiện), chủ xe có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự như đã nêu. Nếu không có vi phạm, chủ xe vẫn phải chứng minh sự vô can của bản thân, chưa kể là thiệt hại do xe bị tạm giữ để điều tra.
Để tránh phiền toái, thậm chí vướng vào lao lý, chủ phương tiện không nên cho mượn xe. Tuy vậy, với văn hóa của người VN thường cả nể, khuyến cáo này khó có thể thực hiện tuyệt đối. Thậm chí, có trường hợp chủ xe không cho mượn, bạn bè hoặc người thân sẽ nói rằng "coi xe hơn người", dẫn tới sứt mẻ tình cảm.
Nếu buộc phải cho mượn, chủ phương tiện cần phải chắc chắn rằng người mượn đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như đủ tuổi, có giấy phép lái xe, trạng thái tinh thần tỉnh táo, không uống rượu bia trước khi lái xe… Chủ phương tiện cũng cần trao đổi về trách nhiệm đôi bên nếu xảy ra sự cố, đồng thời nên cân nhắc về độ tin cậy của người mượn. "Không giao xe cho người không đủ điều kiện hoặc người mà mình không biết rõ. Khi hậu quả xảy ra, việc liên đới trách nhiệm là điều đương nhiên", luật sư Hùng nói.
(theo thanhnien.vn)