Việc cho học sinh THCS tham dự phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự là chưa đúng với quy định pháp luật, dù rằng phương pháp tuyên truyền này mang tính trực quan.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp luật hình sự là phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, trong đó phòng ngừa được ưu tiên hàng đầu. Trách nhiệm này không chỉ được giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn là trách nhiệm của mọi cơ quan, mọi công dân và xã hội. Thực tế cho thấy ở bất cứ nhà nước nào cũng đều đề cao vai trò phòng ngừa tội phạm.
Mặc dù hiệu quả, tác dụng của việc phòng ngừa tội phạm là điều thấy rõ nhưng việc này cần phải được thực hiện một cách khoa học và trên hết là phải tuân thủ pháp luật một cách tuyệt đối.
Học sinh dự xét xử lưu động án hình sự là trái luật
Tại Điều 12, Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định rõ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ một số tội phạm khác. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại một số điều trong BLHS.
Sở dĩ có sự phân biệt này là dựa trên cơ sở sự phát triển, tâm sinh lý của trẻ, mức độ nhận thức, đặc biệt biệt là nhận thức pháp luật của người chưa thành niên.
Đồng thời, cả BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đều có chương riêng quy định việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong cơ cấu tổ chức TAND Cấp cao, TAND cấp tỉnh cũng đều có Tòa gia đình và người chưa thành niên (cấp huyện có thể có) với mục đích xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện với người chưa thành niên (dù là bị cáo hay bị hại...).
Điều này cho thấy vấn đề độ tuổi của người tham dự phiên tòa, dù với tư cách nào cũng rất được lưu tâm.
BLTTHS 2015 quy định Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa…
Hướng dẫn nội dung này, Thông tư 01/2014/TT-CA nêu phòng xử án được hiểu là phòng xử án ở trụ sở tòa án hoặc ở nơi xét xử lưu động ngoài trụ sở tòa án.
Vụ án hình sự được đưa ra xét xử lưu động, có sự tham gia của học sinh THCS. Ảnh: PS
Với quy định như trên cho thấy, khi tòa án xét xử lưu động vụ án hình sự mà cho người dưới 16 tuổi tham dự phiên tòa nhưng họ không thuộc trường hợp do tòa án triệu tập là trái với quy định của BLTTHS.
Có thể tổ chức phiên tòa giả định
Xét về hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật thông qua tham dự phiên tòa xét xử lưu động thì có thể thấy đây là một hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động và mang tính răn đe cao.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, tòa án cũng phải tuân theo pháp luật. Khi thực hiện không đúng thì giá trị tuyên truyền không còn được đảm bảo.
Khi đó, chính chúng ta (người tuyên truyền) đang đánh đổi kết quả của việc tuyên truyền pháp luật (được) với việc vi phạm pháp luật (mất) và cũng khó có thể đánh giá là được nhiều hơn mất.
Mặc khác, một trong những nhiệm vụ quan trọng của BLTTHS được quy định tại Điều 2 đó là giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật. Việc chúng ta tuyên truyền pháp luật nhưng chính cơ quan tuyên truyền không tuân thủ pháp luật thì đó lại là điều hết sức nguy hại.
Thực tế thời gian gần đây, nhiều phiên tòa chỉ cho phép người có giấy triệu tập được vào phòng xử án, những người còn lại kể cả là người thân của bị cáo hoặc người thân của người tham gia phiên tòa đều không được vào.
Tất nhiên, việc cho hay cấm vào phòng xử án đều có lý do giải thích nhưng sẽ không thuyết phục nếu lý do không đúng pháp luật và điều đó vô hình trung người không được cho vào phòng xử án (người không có giấy triệu tập của tòa án) sẽ nghĩ ngay đó là do tòa án áp đặt. Điều này gây ra cách hiểu không tích cực. Do vậy, việc tuyên truyền pháp luật cũng cần phải đồng bộ, thường xuyên, lâu dài chứ không chỉ đơn lẻ và cục bộ.
Tuyên truyền pháp luật có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức, không nhất thiết là cho người dưới 16 tuổi vào phòng xử án khi họ không có giấy triệu tập của tòa án. Trong mỗi hình thức cần cân nhắc sao cho nội dung tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng, đặc biệt là độ tuổi.
Để tuyên truyền pháp luật cho những người dưới 16 tuổi có thể thông qua hình thức phiên tòa giả định. Ở đó các cơ quan, đơn vị tổ chức có thể chuẩn bị kịch bản dựa trên cơ sở vụ án có thật nhưng được mã hóa hoặc chuyển hóa theo cách tiếp cận của đối tượng là người chưa thành niên.
Những nội dung này có thể được giáo viên phổ biến trước, đồng thời định hướng cho các em hiểu sơ bộ về nội dung vụ việc, chuẩn bị các câu hỏi và thậm chí đặt mình trong vai trò quan tòa.
Phiên tòa giả định là cách mà các em có thể kiểm chứng sự hiểu biết pháp luật của mình đã được chuẩn bị trước đó.
Đây có lẽ là bài học sinh động nhất, dễ tiếp thu nhất và người được tuyên truyền dễ hòa mình vào nội dung nên sẽ hiểu và nhớ lâu hơn. Sau mỗi phiên tòa giả định có thể cho các em đặt câu hỏi nếu còn có những vướng mắc hoặc có cách hiểu chưa chính xác.
Khi tuyên truyền chúng ta lấy đối tượng được tuyên truyền làm trung tâm thì kết quả sẽ tích cực hơn là việc tuyên truyền theo một phía mà thiếu đi sự tương tác. Với cách làm này mục đích của việc tuyên truyền pháp luật chúng ta vẫn đạt được mà lại không vi phạm pháp luật.
Học sinh THCS tham dự phiên tòa giả định tốt hơn là lưu động
Phiên tòa lưu động xét xử hai vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; mua bán trái phép chất ma túy có hàng trăm học sinh THCS tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tham dự. Việc xét xử này ngoài chuyện buộc tội người có hành vi vi phạm pháp luật còn có mục đích chính là răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với các em học sinh, từ cấp THCS.
Xét về hiệu quả thì đây được đánh giá là hình thức tuyên truyền một cách trực quan sinh động giúp các em tiếp cận với những phiên xử thực tế nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các em.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi đã bắt đầu có quyền công dân. Nhìn từ góc độ tâm lý, lứa tuổi này bắt đầu có những nhận thức chính xác về luật pháp.
Phiên xử lưu động là cơ hội để các em biết được những tình huống thực tế. Từ đó, các em nhận thức được hành vi nào là phạm tội và tự điều chỉnh hành vi của mình.
Thế nhưng, với những vụ án hình sự được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động cho rằng nó phù hợp với lứa tuổi học sinh nhưng tại phần xét xử, có thể xảy ra tình huống những lời khai của bị cáo, người làm chứng,… không phù hợp đối với lứa tuổi học sinh. Việc không làm chủ được những lời khai cũng rất nguy hiểm trong quá trình tiếp nhận thông tin mà phiên tòa lưu động muốn truyền tải đến các em.
Chính vì thế, việc tuyên truyền pháp luật cho những người dưới 16 tuổi có thể thông qua hình thức phiên tòa giả định. Với phiên tòa giả định, các đơn vị tổ chức có thể chuẩn bị được kịch bản dựa trên cơ sở vụ án có thật, tuy nhiên những lời khai của các bị cáo, người tham gia tố tụng đã được biên tập phù hợp hơn với lứa tuổi các em.
Hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa giả định lâu nay đã được tổ chức tại một số trường hợp và mang lại hiệu quả thiết thực cho các em học sinh tham gia.
Phiên tòa giả định là cách mà các em có thể kiểm chứng sự hiểu biết pháp luật của mình đã được chuẩn bị trước đó. Đây có lẽ là bài học vừa làm các em sinh học dễ tiếp thu nhất và vừa kiểm soát được tình huống với những nội dung mà mình muốn truyền đạt.
Điều quan trọng nhất là chúng ta làm đúng với quy định pháp luật.
PV (TH)