Bà N.T.N thừa nhận với phóng viên khi chính quyền “cào đường” lên và giải thích rõ thì mới biết làm đường nội bộ như vậy là sai quy định pháp luật.
Cấm hoàn toàn việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp
Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của chị Lê Thị Mộng Dung (ấp Xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) về việc chị và khoảng hơn 20 người khác bị lừa khi mua chung mảnh đất tại thửa số 246 tờ bản đồ 39 tại khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, khi làm hợp đồng đặt cọc, bên bán đất cam kết sẽ làm đường đi nội bộ cho bên mua sử dụng, do vậy chị Dung và những người trên đã đồng ý mua đất. Thế nhưng sau đó, bên bán không thực hiện cam kết khiến người mua rơi vào cảnh điêu đứng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành cho biết, mảnh đất tại thửa số 246 tờ bản đồ 39 tại khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành là đất nông nghiệp. Do vậy, việc chủ sử dụng đất làm đường trên khu đất này là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, chủ sử dụng đất vẫn lén lút làm đường và phân lộ bàn nền cho người dân. Khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã mời người này lên để làm việc nhưng họ né tránh không lên, buộc UBND thị trấn Long Thành phải cho lực lượng xuống phá bỏ đường, trả lại nguyên trạng cho khu đất.
Khu đất nông nghiệp mà bà N.T.N bán cho các nạn nhân.
Cũng theo ông Đạt, từ trước đến nay, việc phân lô bán nền tự phát, nhất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp bị cấm hoàn toàn trên địa bàn thị trấn Long Thành. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi, người dân khi mua bán đất thì phải tìm hiểu kỹ, tuyệt đối không nghe môi giới đất đai nói mà phải đến chính quyền địa phương để kiểm tra cho chính xác.
Theo chị Dung cho biết, vừa qua bà N.T.N đi cùng một người khác đến nhà và bà N hứa sẽ tìm người mua lại lô đất đã bán cho chị Dung. Sau đó, bà N và người đi cùng đưa cho chị Dung 100 triệu đồng, đồng thời hứa trong vòng 3 tháng sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, sau khi đưa cho chị Dung 100 triệu đồng, phía bà N.T.N viện lý do khó khăn rồi im lặng luôn. Đến nay thời hạn 3 tháng đã trôi qua nhưng phía bà N.T.N không đưa tiền thêm như thỏa thuận. Chị Dung gọi điện thì không nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời.
Chủ đất đã làm hết trách nhiệm với người mua đất?
Trước đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bà N thừa nhận tại thời điểm mua bán đất bà có cam kết sẽ hoàn thiện đường nội bộ trong khu đất cho những người mua sử dụng. Và sau khi ký hợp đồng thì bà N.T.N cũng đã tiến hành làm đường xong. Tuy nhiên khoảng 2 tháng sau thì con đường nội bộ này bị chính quyền “cào lên”. Bà N.T.N cho rằng đã thực hiện cam kết là làm đường nội bộ rồi chứ không phải chưa làm. Như vậy, bà N.T.N đã làm hết trách nhiệm với người mua đất?
Trả lời câu hỏi của phóng viên việc làm đường nội trên khu đất có đúng pháp luật hay không thì bà bà N.T.N cho rằng tại thời điểm đó trên toàn bộ huyện Long Thành, chỗ nào cũng làm đường nội bộ như vậy nên bà nghĩ chỗ bà cũng làm được. Tuy nhiên sau này, khi chính quyền “cào đường” lên và giải thích rõ thì bà mới biết làm đường nội bộ như thế là sai quy định pháp luật. Liên quan đến việc sẽ mua lại các lô đất đã bán cho các nạn nhân, bà N.T.N nói đang cố gắng thực hiện nhưng đến nay chưa tìm được đối tác mua lại.
Nhận định về tính pháp lý liên quan đến vụ việc này, luật sự Đào Thị Thu Thủy (Công ty Luật TNHH Share Lawyers) Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, để tách một phần diện tích đất nông nghiệp của thửa đất để mua bán (phân lô bán nền) tại tỉnh Đồng Nai phải đáp ứng các điều kiện chung để được tách thửa đất như: thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thửa đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất; diện tích thửa đất tách thửa thuộc trường hợp chưa có thông báo thu hồi đất hoặc chưa có quyết định thu hồi đất; việc tách thửa đất phải gắn với thực hiện các quyền của người sử dụng đất,…
Ngoài ra, việc tách một phần diện tích đất nông nghiệp của thửa đất phải đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu của thửa đất sau tách thửa, theo quy định của UBND tỉnh nơi có đất tại thời điểm tách thửa.
Theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Trong trường hợp thửa đất mua bán không đủ các điều kiện để tách thửa như nêu trên, cũng như không được cấp phép làm đường trên thửa đất, nhưng bà N.T.N thông tin và cam kết với người mua đất về việc có thể tách thửa, làm đường trên thửa đất mua bán là đang có hành vi lừa dối người mua về đất mua bán.
Cụ thể, bà N.T.N đang có hành vi làm cho người mua hiểu sai về đối tượng của hợp đồng mua bán, rằng đất mua bán được phép làm đường nên người mua đã xác lập hợp đồng mua bán đất với người bán.
Do đó, người mua trong trường hợp này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán trên là vô hiệu do bị lừa dối, để yêu cầu bên bán trả lại tiền mua đất và bồi thường thiệt hại cho người mua.
(theo Phapluatplus)