Minh oan cho người đã chết

Sau gần 10 năm đi kêu oan cho chồng, ngày 10-1-2014, VKS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao cho bà Hoàng Thị Vui quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng Phòng công chứng nhà nước số 3, vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Điều đặc biệt trong vụ án này là bị can được minh oan sau khi đã chết gần 10 năm và vợ của ông Hải đã miệt mài kêu oan cho người đã khuất…

Từ vụ án oan

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 1996 vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân ký hợp đồng mua bán căn nhà 60 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu cho ông Trần Văn Hùng với giá 155 lượng vàng. Sau đó hai bên ra Phòng công chứng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và công chứng viên Vũ Thanh Hải xác nhận vào hợp đồng mua bán... Tuy nhiên, có một tí “dị biệt” trong bản hợp đồng mua bán với bản hợp đồng được công chứng vì trong hợp đồng mua bán giữa vợ chồng ông Tuân với ông Hùng ghi “mua bán căn nhà 60” nhưng trong bản hợp đồng có công chứng đánh máy, ai đó thêm chữ A bằng bút bi vào thành “nhà 60A”. Chính vì một tí “dị biệt” này mà ông Tuân và ông Hải sa vào vòng tố tụng.

Trước đó ông Tuân được một người bác họ ủy quyền đi đòi lại nhà và đất mà trước đây người này đã hiến cho ban nông hội để đưa vào sản xuất tập thể. Oái oăm ở chỗ là tại khu đất ông Tuân đòi có ba căn nhà đều mang số 60 nên khi trả đất, UBND tỉnh này ghi là trả lại “căn nhà 60 và đất” cho người bác họ ông Tuân. Sau đó cơ quan quản lý nhà đất cấp số nhà “tùy hứng” thêm chữ A. Vì thế tại thời điểm ấy, khu vực này có ba căn nhà trùng số 60A và điều này gây ngộ nhận không chỉ giữa các thừa kế của người bác họ ông Tuân mà ngay cả các cơ quan tố tụng tỉnh này cũng cho rằng ông Tuân đã gian dối để chiếm đoạt căn nhà 60A với lập luận: Căn nhà 60 mà UBND tỉnh trả và căn nhà 60A là hai đối tượng khác nhau, ông Tuân nhập nhèm chiếm đoạt nhà...

Bà Hoàng Thị Vui khóc khi nhớ lại vụ án của chồng mình. Ảnh: KL

Đến người được minh oan, người không

Sau nhiều lần xét xử, phạt ông Tuân 11 năm tù, cuối cùng ngày 19-12-2006, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xác định: Nhà mang số 60 và nhà mang số 60A chỉ là một đối tượng. Vì thế ông Tuân trắng án, được minh oan và tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xin lỗi, bồi thường cho ông Tuân theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ QH.

Khi khởi tố ông Tuân tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngày 19-4-2004, công an tỉnh này cũng khởi tố ông Hải tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cho tại ngoại với lập luận là đã “tiếp tay cho bị can Tuân chiếm đoạt tài sản”. Với cú sốc quá lớn này, ông Hải phát bệnh nên bà Vui - vợ ông Hải phải đưa ông vào bệnh viện tâm thần chữa trị, sau đó xin về điều trị ngoại trú. Sơ suất trong việc canh chừng người bệnh, chưa đầy bốn tháng sau khi bị khởi tố, ông Hải đã tự vẫn, để lại vợ và hai đứa con nhỏ!

Ông Hải chết trong giai đoạn điều tra nên công an đã đình chỉ điều tra nhưng trong các cáo trạng, bản án sau này, cơ quan tố tụng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn xác định ông Hải thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

…Từ năm 2007, báo Pháp Luật TP.HCM đã phân tích, gặp chủ tọa phiên xử phúc thẩm và đã khẳng định ông Tuân không phạm tội, tức không có hậu quả nghiêm trọng nên hành vi công chứng hợp đồng mua bán nhà của ông Hải là công chứng một giao dịch dân sự hợp pháp, VKS tỉnh này phải minh oan cho ông...

“Được minh oan nhưng tôi không vui”

Cầm quyết định xác định ông Hải bị khởi tố oan, bà Hoàng Thị Vui nói: “Tôi đã trút được gánh nặng canh cánh bên lòng nhưng không vui với quyết định này vì tôi chờ đợi nó đã chục năm ròng với bao cay đắng…”.

Bà Vui kể: “Ngay khi anh Hải bị khởi tố, tôi đã mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan cho chồng nhưng không ai đoái hoài. Khi công an khởi tố vụ án, cộng với áp lực của dư luận nên anh ấy suy sụp tinh thần, mất ngủ triền miên rồi phát bệnh. Khi đưa anh ấy vào bệnh viện, tôi nói rõ với các bác sĩ rằng anh ấy vào trị bệnh chứ không phải vào bệnh viện để trốn tội vì tôi biết anh ấy sống tử tế, không làm sai, không phạm tội… Lúc đó tôi vừa giảng dạy, vừa lo cho hai cháu nhỏ nên rất khó chăm sóc anh ấy trong bệnh viện, tôi bèn xin các bác sĩ cho anh ấy điều trị ngoại trú. Khi anh ấy về nhà, tôi vẫn canh chừng hoặc nhờ người khác canh chừng nhưng giữa tháng 8-2004, anh ấy tự vẫn tại nhà người thân…

Tôi nghỉ giảng dạy ở trường chính trị vì không đủ tự tin đứng trên bục giảng nữa, vì chồng bị oan mà kêu không được. Sau đó tôi xin vào làm cho một doanh nghiệp, làm luật sư và đi kêu oan cho chồng…”.

Đang kể chuyện, thỉnh thoảng chúng tôi phải ngừng nửa chừng vì bà Vui khóc ngất… Lau nước mắt, bà tiếp: “Tôi viết hàng đống đơn gửi đi khắp nơi và không biết bao lần trực tiếp đến gõ cửa VKSND Tối cao, các cơ quan trung ương đóng ngoài Hà Nội vì các cơ quan tố tụng Bà Rịa-Vũng Tàu không thừa nhận chồng tôi bị oan. Nhưng tất cả các đơn mà tôi gửi đi rơi vào vô vọng…”.

Anh ấy chết khi còn mang thân phận bị can. Tôi đọc thấy trong ánh mắt hai con có chút gì đó mặc cảm nên tôi rất ít nhắc đến tên anh ấy trước mặt hai cháu. Ngay cả ngày giỗ anh ấy, tôi cũng âm thầm đến chùa cúng cơm vì sợ chạm vào nỗi đau của các cháu… Tôi mất một người chồng, người cha mẫu mực nên đã nguyện là phải yêu cầu các cơ quan tố tụng minh oan cho anh ấy để các con tôi không mặc cảm, mẹ ruột anh ấy không đau khổ vì bà đã nuôi dạy một đứa con hư….” - bà Vui khóc nói.

Lần giở chồng hồ sơ với hàng chục phiếu báo, trả lời của các cơ quan tố tụng, bà nói: “Một sự thật hiển nhiên là ông Tuân không phạm tội thì anh Hải công chứng không sai nhưng người ta bắt bẻ tôi là căn cứ nào để khẳng định anh Hải bị khởi tố oan. Tôi phải tranh luận, chỉ ra điều sơ đẳng trong cấu thành tội phạm mà bất kỳ ai trong ngành luật pháp cũng biết nhưng họ lờ đi. Sau nhiều lần họp bàn, đến cuối năm 2012, VKS Tối cao hai lần có công văn yêu cầu VKS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ bị can với anh Hải vì hành vi không cấu thành tội phạm và hơn một năm sau cơ quan này mới ban hành quyết định thừa nhận anh Hải bị khởi tố oan…”.

Anh ấy đang là công chứng viên, trưởng phòng công chứng, bị khởi tố oan nên suy sụp và con tôi đã mất cha… Anh ấy được minh oan, tôi trút được gánh nặng nhưng tôi không vui tí nào. Giá như đừng có chuyện khởi tố oan” - bà Vui nấc nghẹn nói!

VKS sẽ xin lỗi khi gia đình có yêu cầu

Ngày 10-1-2014, bà Lê Thị Đầy, Viện trưởng VKS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nói: “Vụ án này xảy ra từ khi tôi còn làm kiểm sát viên cấp huyện và tôi vừa ký quyết định đình chỉ hình sự vụ án và quyết định đình chỉ hình sự vụ án đối với bị can, gửi cho vợ anh Hải. Trong vụ này, chúng tôi phải xin ý kiến cấp trên vì không rõ có thuộc trường hợp được bồi thường hay không. Sau khi VKS Tối cao có chỉ đạo, chúng tôi đã ra văn bản thừa nhận sai.

Sắp tới, chúng tôi sẽ mời gia đình anh Hải đến để ghi nhận yêu cầu. Nếu gia đình anh Hải yêu cầu xin lỗi, bồi thường, chúng tôi sẽ thực hiện. Vì anh Hải đã mất, gia đình khiếu nại nên chúng tôi sẽ vận dụng các quy định của pháp luật để bù đắp phần nào tổn thất tinh thần, vật chất cho người thân anh Hải”.

 ________________________________________

Ông Tuân không phạm tội đương nhiên ông Hải cũng không phạm tội theo. Công an và VKS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải xác định trách nhiệm và có nghĩa vụ minh oan cho ông Hải, dù ông đã chết.

Ông NGUYỄN XUÂN PHÁT, nguyên Phó Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, chủ tọa phiên xử tuyên ông Tuân trắng án, nói vào tháng 3-2007

 

(theo PLO)