Lực lượng chức năng Hà Nội vừa phanh phui đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn” từ manh mối một hàng quán ở cổng trường. Bác sĩ cho biết nếu trẻ ăn xúc xích với nhiều chất bảo quản như formol sẽ đối diện một số bất ổn sức khỏe.
Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 đến 15/5), cơ quan chức năng của TP.Hà Nội đã xử phạt 1.679 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến và trực tiếp với các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội về kết quả triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 4/6.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP.Hà Nội, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024, thành phố đã thành lập 706 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
Trong hơn 12.500 cơ sở được kiểm tra, thanh tra, hơn 84% cơ sở đạt yêu cầu, số cơ sở vi phạm là 1.814. Ngoài xử phạt hành chính, hàng trăm cơ sở buộc phải tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá hơn 2,7 tỷ đồng; 7 cơ sở bị đình chỉ.
Tại hội nghị, đại diện Công an TP.Hà Nội đã thông tin về đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Manh mối phát hiện đường dây này bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lực lượng công an đã lần theo dấu vết, phát hiện kho hàng chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”.
Đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết đã thử thí nghiệm để xúc xích thu giữ được ngoài nắng 7 ngày, kết quả, "xúc xích không ôi thiu, bốc mùi". "Chúng tôi nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng formol để bảo quản. Nếu số lượng xúc xích này được tiêu thụ hết tại các cửa hàng, tạp hóa ở cổng trường, số lượng trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn”, đại diện Công an TP.Hà Nội chia sẻ và nhận định tình hình vi phạm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp.
Trao đổi với PV chiều 5/6, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, nếu trẻ ăn phải xúc xích bẩn, với nhiều chất bảo quản (như formol), sẽ đối diện một số nguy cơ như nhiễm độc gan, thận, khiến các bộ phận này quá tải. Một số chất bảo quản khác có thể khiến trẻ dậy thì sớm; thậm chí sau này gây ung thư.
Ngoài ra, chất bảo quản trong xúc xích bẩn, thực phẩm bẩn có thể gây phản ứng dị ứng. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể nổi mẩn, nếu nặng hơn, bệnh nhi sẽ bùng phát cơn hen, thậm chí gây ra sốc phản vệ. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp hiếm gặp có thể bị ảnh hưởng sự phát triển của xương, cơ.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, thông tin, ngay chiều 4/6, lực lượng quản lý thị trường đã bắt được hơn 1 tấn thực phẩm “bẩn” tại quận Tây Hồ. Hiện, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng lớn nhưng số lượng người làm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lại rất mỏng.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội. Ảnh: T.Thu
Do đó, theo ông Kiên, nếu chỉ làm theo kiểu “nay đến cửa hàng nọ, mai đến cửa hàng kia” thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” không thể xử lý hết được. Vì thế, vị lãnh đạo bày tỏ mong muốn người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc với cơ quan chức năng.
"Nếu người dân thấy quán hàng bán xúc xích nướng, gà rán… không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hãy chụp ảnh rồi đề nghị lực lượng chức năng các quận, huyện vào cuộc giải quyết dứt điểm. Hay khi người dân phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm hãy gửi thông tin cho chúng tôi”, ông Kiên nói.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay, nguồn thực phẩm ở chợ cung cấp 60% nhu cầu của người dân; 40% còn lại từ các nguồn khác (siêu thị, trung tâm thương mại...). Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng rau, thịt bày bán ở các chợ cóc, chợ tạm còn hạn chế. Thực tế trong hơn 500 chợ trên địa bàn TP, chỉ có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. "Tỷ lệ này rất thấp", bà Lan nói.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh các hoạt động vi phạm an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt được kết quả như mong muốn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, ý thức từ cán bộ đến người dân; thay đổi thói quen và tư duy tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP.Hà Nội đưa ra 3 giải pháp gồm tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học; bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống.
(theo Vietnamnet)