Từ ngày 1.8 đến nay, nhiều hồ sơ chuyển nhượng, hợp thức hóa của người dân bị "treo" khi chuyển qua cơ quan thuế để tính thuế, tính tiền sử dụng đất.
Nhà đã bán, tiền vẫn bị phong tỏa
Đó là trường hợp của ông Hồng Thắng, ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM). Mới đây, ông bán căn nhà rộng 66 m2 ở Q.Bình Tân với giá hơn 10 tỉ đồng. Ngày 12.8, ông Thắng cùng người mua đi công chứng mua bán và đã nộp hồ sơ ở Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân, nhưng không nhận được thông tin tính thuế. Theo ông Thắng, vì đã đặt cọc mua một bất động sản khác nên ông phải chốt bán căn nhà nói trên. Hồ sơ tính thuế ông và người mua đã khai đúng giá mua bán trên hợp đồng nhưng ngành thuế nhận hồ sơ và trả lời là ông phải chờ. Do không tính thuế, dẫn tới không sang tên được cho người mua nên tiền bán căn nhà vẫn đang bị phong tỏa ở ngân hàng.
Người dân TP.HCM mong mỏi được sớm gỡ khó trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai-NGỌC DƯƠNG
"Đây là rủi ro rất lớn bởi tôi đã đặt cọc mua một căn nhà khác và theo hợp đồng cọc, cuối tháng 8 phải ký hợp đồng mua bán, nếu không sẽ mất số tiền đặt cọc tương đối lớn", ông Hồng Thắng lo lắng. "Nếu nhìn rộng trên cả TP mỗi ngày có hàng trăm ngàn giao dịch mua bán, hợp thức hóa nhà đất sẽ thấy những tổn hại ghê gớm của người dân khi họ cần tiền đầu tư, đóng học phí, chữa bệnh, làm ăn… mới phải bán nhà đất nhưng nay tất cả đều bị ngưng trệ, bị bể kế hoạch. Bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế thì việc ngưng trệ hết, không đóng thuế được sẽ gây tác động không chỉ cho người dân mà cả doanh nghiệp và cả nhà nước khi không thu được tiền thuế.
Không đóng thuế được, không hoàn tất giao dịch được nên người bán không nhận được tiền, người mua cũng không nhận được nhà. Để càng lâu càng nhiều rủi ro, phát sinh khiếu kiện. Những thiệt hại, chậm trễ này không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm đây? Bởi luật Đất đai 2024 nói rất rõ ràng rằng bảng giá đất hiện nay vẫn còn hiệu lực và được áp dụng đến ngày 31.12.2025. Trong khi bảng giá đất mới chưa ban hành thì việc ngành thuế không chịu tính thuế cho người dân là do họ sợ trách nhiệm, không dám làm mà thôi", ông Thắng đặt vấn đề.
Tương tự, anh Minh Nghĩa (TP.Thủ Đức) đã phải đi vay mượn khắp nơi để có đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho 218 m2 đất ở P.Hiệp Bình Phước kịp theo bảng giá đất cũ. Thế nhưng đến nay sau hơn 10 ngày, anh vẫn chưa nhận được thông báo đóng tiền. Liên hệ với cán bộ thuế, anh nhận câu trả lời: "Phải chờ hướng dẫn". "Tôi đọc thông tin trên báo đài và đọc luật Đất đai 2024 đều nói rõ bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực và được áp dụng đến ngày 31.12.2025. Mới đây Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Cục Thuế TP.HCM cũng đã có văn bản hướng dẫn trong đó nói rõ bảng giá đất theo luật Đất đai 2013 vẫn còn hiệu lực và được áp dụng đến cuối năm 2025. Mọi thứ đã quá rõ ràng không có lý do gì ngành thuế dừng tính thuế cho người dân", anh Nghĩa bức xúc.
Một trường hợp khác, ngay khi hay tin TP sẽ ban hành bảng giá đất mới với giá tăng mạnh, từ cuối tháng 7, chị T.T (H.Bình Chánh) chạy đôn chạy đáo xoay xở hơn 300 triệu đồng để đóng tiền chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp lên thổ cư cho miếng đất của mình ở H.Hóc Môn và đã thành công. Thế nhưng, một số người quen của chị lại không được may mắn như vậy. Chị T.T kể họ đang ngóng chờ xem hướng giải quyết như thế nào để thực hiện đóng tiền sử dụng đất cho xong phần chuyển đổi nếu được, chứ chờ bảng giá đất mới nghe cao gấp nhiều lần thì tiền không có để đóng.
"TP.HCM nếu muốn áp dụng bảng giá đất mới cũng cần có lộ trình và công bố rõ ràng cho người dân biết trước đó nhiều tháng để họ còn chuẩn bị tài chính. Đối với những người dân có đất nông nghiệp, đất vườn từ hàng chục năm nay, thường những hộ này nghèo, thu nhập không nhiều. Việc đóng số tiền vài trăm triệu đồng để chuyển phần đất nông nghiệp lên thổ cư đã khó, sắp tới nếu áp dụng bảng giá đất mới cao gấp nhiều chục lần giá cũ và số tiền có thể lên tiền tỉ, chục tỉ đồng thì vượt ngoài khả năng của họ. Do đó, đối với những hộ lâu năm nên giải quyết cho họ được áp dụng bảng giá đất cũ khi chuyển đổi, còn đối với những người mua đầu cơ thì tính theo bảng giá mới", chị T.T nói.
Hồ sơ 'treo' la liệt ở các chi cục thuế
Theo phản ánh của người dân, hiện trên toàn địa bàn TP.HCM việc tính thuế, tính tiền sử dụng đất đã bị đình trệ. Dù ngành thuế vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng không tính thuế, không tính tiền sử dụng đất mà "treo" hồ sơ để chờ hướng dẫn, chờ bảng giá đất mới.
Tại H.Bình Chánh từ ngày 1.8 đến nay còn 49 hồ sơ chưa được ngành thuế xử lý. Tại TP.Thủ Đức, con số này là hơn 100 hồ sơ. Trao đổi với Báo Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.12 cho biết trên địa bàn quận có khoảng 300 hồ sơ đã được chuyển qua Chi cục Thuế Q.12 nhưng chưa được giải quyết. Hiện nay người dân vẫn đang phải "chạy" lo kiếm tiền để chờ được đóng thuế. Trong khi đó, tại H.Nhà Bè, đến nay số lượng người dân đến làm thủ tục nhà đất đã không còn "nóng" như thời điểm trước ngày 1.8 khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Dù vậy lượng hồ sơ vẫn tăng hơn nhiều so với trước.
Ông Giang Tuấn Phát Đạt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Nhà Bè, cho hay từ ngày 1 - 14.8, khu vực H.Nhà Bè có 188 hồ sơ chưa được tính thuế. Tại Q.7, đến ngày 13.8 có 213 hồ sơ chưa được tính thuế. Do hồ sơ bị ùn tắc quá nhiều nên nơi đây đã có văn bản gửi Chi cục Thuế Q.7, Sở TN-MT báo cáo số liệu hồ sơ trễ hạn. Không những vậy, một lãnh đạo của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7 thừa nhận Chi cục Thuế Q.7 mới đây còn dừng luôn việc tiếp nhận hồ sơ. "Chi nhánh đã phải báo cáo sự việc lên cấp trên. Bởi việc hồ sơ của người dân bị chậm không phải lỗi do chi nhánh mà do ngành thuế ngâm hồ sơ không tính thuế cho người dân", ông này cho hay.
Giải thích việc dừng thu thuế, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định: Việc này không vi phạm luật mà ngành thuế chờ xin ý kiến của UBND TP để triển khai thực hiện. Bởi luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025. Trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Do vậy, việc cần thiết điều chỉnh bảng giá đất hay không trong thời gian từ 1.8.2024 - 31.12.2025 là thẩm quyền của UBND TP. Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP cho ý kiến để việc tính, thu tiền thuế đúng quy định của luật Đất đai 2024.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, hiện nay UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất 2020 - 2024 phù hợp với giá đất theo nguyên tắc thị trường và tình hình thực tế. Quyết định bảng giá đất mới do Sở TN-MT dự thảo được áp dụng từ ngày 1.8 sẽ có giá đất điều chỉnh tăng cao so với bảng giá đất hiện hành theo Quyết định số 02/2020. Trường hợp UBND TP.HCM tiếp tục cho phép áp dụng bảng giá đất 2020 - 2024, không có hệ số K (không có tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất đối với trường hợp được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm) thì việc tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản không thể thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Do đó, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị UBND TP sớm ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 02/2020 cho phù hợp với tình hình thực tế và sớm có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...) để cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1.8 đến ngày Quyết định do UBND TP ban hành có hiệu lực thi hành.
Để xã hội phát triển thì bảng giá đất phải hợp lý để thu hút đầu tư. Nếu ngành thuế muốn an toàn thì vẫn ra thông báo tính thuế, tính tiền sử dụng đất cho người dân nhưng trong thông báo ghi rõ là trước mắt thu theo bảng giá đất cũ, trường hợp luật thay đổi thì có thể truy thu thêm chứ không thể ngưng tính thuế cho người dân như thế này. (TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)
'Bệnh' sợ trách nhiệm
Cho rằng việc không tính thuế cho người dân là sai, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, phân tích: Đến nay bảng giá đất điều chỉnh vẫn đang lấy ý kiến và chưa biết bao giờ TP.HCM mới ban hành trong khi luật Đất đai 2024 cho phép áp dụng bảng giá đất đến ngày 31.12.2025. Tại luật Ban hành văn bản quy định hiệu lực không được lùi trở về trước đối với những trường hợp quy định pháp lý nặng hơn, gây thiệt hại cho người dân.
Đặc biệt văn bản của UBND, HĐND khi ban hành lại càng không được áp dụng lùi thời gian trở về trước. Nên nay ngành thuế không giải quyết hồ sơ của người dân theo bảng giá đất cũ với lý do chờ bảng giá đất mới là hoàn toàn không phù hợp. Bởi nếu TP có ban hành bảng giá đất mới thì cũng không thể lùi lại áp dụng từ ngày 1.8 được mà phải áp dụng từ ngày bảng giá đất mới có hiệu lực, tức là sau 15 ngày ban hành.
"Luật đã quy định rõ ràng nên việc ngành thuế "ngâm" hồ sơ của người dân là sợ trách nhiệm, là sai", TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nói thẳng. Bởi việc tính thuế căn cứ theo bảng giá đất; trong khi hiện nay bảng giá đất cũ theo luật vẫn còn hiệu lực và bảng giá đất mới vẫn chưa ban hành và chưa biết đến bao giờ mới ban hành thì việc ngành thuế ngưng để chờ là "đang cố tình hiểu sai luật, đang thoái thác, thiếu sự kiên định trong vấn đề giải quyết hồ sơ cho người dân", ông Thuận nhấn mạnh.
Trong khi đó, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn bảng giá đất vẫn còn hiệu lực và áp dụng đến ngày 31.12.2025. "Việc ngành thuế dừng tính thuế cho người dân là do họ sợ trách nhiệm. Dù vậy, theo Văn bản 05 của Bộ Chính trị về trách nhiệm công vụ cũng không "né" được. Nếu việc dừng tính thuế là đúng thì đó là đáng khen. Nhưng nếu là sai, hiểu lệch lạc gây hậu quả cho xã hội thì có thể quy trách nhiệm công vụ trong chuyện này. Tôi sẽ có ý kiến, phản biện với lãnh đạo TP nếu ai cố ý làm sai, cố ý không làm, gây hoang mang, xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Tôi không đồng tình với việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh tăng quá cao", ông Thuận nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tú (Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cũng cho hay luật Đất đai 2024 cho phép bảng giá đất có hiệu lực đến hết năm 2025. Chỉ trường hợp cần thiết địa phương mới cần phải ban hành bảng giá đất điều chỉnh cho phù hợp. "Chính điều này đã khiến một số tỉnh thành chứ không riêng gì TP.HCM lúng túng trong thực hiện. Cơ quan thuế TP.HCM nếu thực hiện theo bảng giá đất cũ thì số thu sẽ thấp đi nhiều, sợ thất thu thuế nên họ dù có nhận hồ sơ của người dân cũng tạm dừng thông báo tính thuế, tính tiền sử dụng đất. Trong khi đó, TP.HCM đang soạn thảo bảng giá đất mới.
Quá trình xây dựng bảng giá đất khá phức tạp, cần nhiều thời gian, ít nhất cũng nhiều tháng. Do đó việc có ngay trong giai đoạn này là không khả thi", ông Tú lý giải sự tiến thoái lưỡng nan của ngành thuế TP.HCM và đề xuất: "Một là áp dụng bảng giá cũ hoặc nếu sửa đổi thì từ nay đến ngày 1.9 phải có bảng giá đất điều chỉnh nhưng không thể quá cao để giải quyết nhanh cho các hồ sơ người dân đã nộp. Không thể ngâm hồ sơ của người dân lâu hơn vì ảnh hưởng đến đời sống cũng như tài chính của họ. Để giải quyết nhanh, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn quy định của luật Đất đai để các tỉnh thành đồng bộ thực hiện. Nếu không mỗi tỉnh thành thực hiện khác nhau, cũng sẽ gây ra khó khăn, bức xúc".
Theo Cục Thuế TP.HCM, khi áp dụng luật Đất đai 2024 sẽ phát sinh một số vướng mắc. Đầu tiên trong luật Đất đai 2013 quy định việc tính tiền sử dụng đất cho phần đất vượt hạn mức có dùng hệ số K để điều chỉnh nhưng đến luật Đất đai 2024 chỉ áp dụng bảng giá đất. Một bất cập nữa là luật Đất đai 2024 quy định trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thuế thu nhập cá nhân được tính theo giá đất trong bảng giá đất. Trong khi đó, trước đây chỉ quy định không được thấp hơn theo giá đất trong bảng giá đất do UBND TP ban hành. Ngoài ra phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 2 điều 1 Quyết định số 02/2020 không áp dụng cho trường hợp tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.
PV (TH)