Hàng ngàn cha mẹ lo lắng trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đưa trẻ đi khám

Theo các bác sĩ, các bậc cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của trẻ, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm thì nên đưa trẻ đi khám ngay.

 

Một bà mẹ ở TP.HCM lo lắng con trai chậm phát triển chiều cao đã đưa con đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để khám trong ngày 1-6 - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Ngày 1-6, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã tổ chức buổi lễ khởi động chương trình "Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em".

Quan tâm tới việc phát triển chiều cao của trẻ

"Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận hàng ngàn ca đến thăm khám, để được tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Những trẻ em này không chỉ tại TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác". Ông Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã cho biết như vậy tại buổi lễ.

Cũng theo ông Chiến, hiện các bậc phụ huynh đã quan tâm tới việc phát triển chiều cao của trẻ.

Bắt đầu được triển khai từ năm 2017, tính đến nay chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng thông qua chương trình là hơn 200 trẻ.

Năm nay, chương trình dự kiến tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến thăm khám với 8 buổi khám trong 4 tuần. Ngay trong tuần đầu tiên, số trẻ được tiếp nhận thăm khám là khoảng 80 trẻ.

Theo các bác sĩ, chậm tăng trưởng là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới -2SD so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc.

Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết.

Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết).

Chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học

Tại Việt Nam, có một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học. Tức là khi các bậc cha mẹ có điều kiện so sánh chiều cao của trẻ với các bạn đồng trang lứa. Đôi khi tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.

BS.CKI Trần Thị Ngọc Anh, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khuyến cáo các bậc cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm thì nên đưa trẻ đi khám ngay.

Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng.

Triển vọng điều trị cho trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị cho trẻ.

"Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác", bác sĩ Ngọc Anh cho hay.

Thông thường, trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng có thể được chỉ định tiêm hormone tăng trưởng.

Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện liên tục trong vài năm khi trẻ đang phát triển. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ hiệu quả của việc tiêm hormone tăng trưởng và có thể điều chỉnh liều lượng khi cần thiết.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm hormone tăng trưởng đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do nhiều bệnh lý khác như nhỏ so với tuổi thai, hội chứng Turner, bệnh thận mạn.

Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm

Theo các bác sĩ, hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm.

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình).

Riêng đối với trẻ thiếu hormone tăng trưởng nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Một số trẻ thiếu hormone tăng trưởng có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỉ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu hormone tăng trưởng như thiếu tập trung, trí nhớ kém…

   

PV (TH)