Xét nghiệm hoặc nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa

Gan, dạ dày, đại trực tràng là ba cơ quan tiêu hóa thường bị ung thư, song có thể xét nghiệm hoặc nội soi phát hiện sớm tăng hiệu quả điều trị.

"Ung thư tiêu hóa phổ biến và nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi, phòng ngừa nếu được tầm soát từ sớm", bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường, giám đốc y khoa phòng khám Victoria Healthcare, nói tại tọa đàm do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, ngày 8/11.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 người tử vong do ung thư. Tính chung ở cả hai giới, 5 loại ung thư đang dẫn đầu là vú, gan, phổi, dạ dày và trực tràng, tăng dần mỗi năm. Năm 2022, tỷ suất mắc mới ung thư ở Việt Nam xếp thứ 90 trên 185 quốc gia, song tỷ suất tử vong đứng vị trí 50 và ngày càng tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nguyên nhân được cho là nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên tử vong cao.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tâm An

Theo bác sĩ Tường, mỗi phương tiện tầm soát hiện nay có những ưu và khuyết điểm riêng. Trong đó, xét nghiệm máu dấu ấn ung thư (tumor marker), xét nghiệm gene di truyền dễ thực hiện, tầm soát nhiều ung thư cùng một lúc, song độ tin cậy không cao, nếu có kết quả bất thường cũng phải tầm soát bằng các phương pháp khác tìm ung thư.

Hiện nay, xét nghiệm máu dấu ấn ung thư thường dùng khi có tổn thương nghi ngờ hoặc theo dõi ung thư tái phát, không khuyến cáo tầm soát ung thư ở người khỏe mạnh vì độ nhạy và độ đặc hiệu kém. Điều này dễ gây lo lắng, từ đó phát sinh nhiều xét nghiệm khảo sát tiếp không cần thiết, hoặc khiến bệnh nhân tự tin khi kết quả bình thường, bỏ qua các khảo sát theo đúng hướng dẫn.

Phương tiện thứ hai là các chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm, CT, MRI, PET CT, giúp chẩn đoán chính xác, đánh giá tổn thương có phát triển xâm lấn các cơ quan khác không, nhưng tốn kém, phụ thuộc bác sĩ thực hiện, không điều trị được tổn thương.

Thứ ba, nội soi giúp chẩn đoán chính xác, lấy được mẫu mô làm tế bào học, điều trị được tổn thương bằng cách cắt polyp, song đây là phương pháp xâm phạm, phụ thuộc tay nghề thực hiện, tốn kém.

Tầm soát ung thư gan

Cần phát hiện, quản lý sớm viêm gan siêu vi B, C nếu có, không để dẫn tới xơ gan. Điều trị tốt viêm gan do rượu, viêm gan do mỡ. Các trường hợp nguy cơ cao cần siêu âm gan, thử AFP định kỳ mỗi 6 tháng, nếu phát hiện nghi ngờ nên CT gan có cản quang và sinh thiết.

Tầm soát ung thư dạ dày

Phòng ngừa sớm ung thư dạ dày bằng cách tầm soát khuẩn HP qua nội soi dạ dày, sinh thiết hoặc test hơi thở, thử máu (phương pháp này đơn giản nhưng không hoàn toàn chính xác). Nếu dương tính, cần điều trị HP trong 2 tuần, kiểm tra sau điều trị. Người bệnh cần hiểu đường lây của vi khuẩn này để tránh tái nhiễm trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Người bị chuyển sản ruột dạ dày cần điều trị hết HP, nội soi kiểm tra mỗi 3 năm, sinh thiết nhiều vị trí khi nội soi, dùng máy có NBI.

Nội soi giúp tầm soát hiệu quả ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: PKCC

Tầm soát ung thư đại tràng

Có thể tầm soát bằng thử máu ẩn trong phân. Phương pháp này chi phí thấp, dễ làm, nhưng phải thực hiện hàng năm, nếu dương tính phải nội soi đại tràng, nhiều trường hợp dương tính giả do ăn thực phẩm có chất sắt.

Phương tiện thứ hai là chụp CT đại tràng ảo (nội soi ảo), có thể thay thế nội soi đại tràng khi bệnh nhân sợ nội soi. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi chụp có tia X, nếu có tổn thương phải làm nội soi xác định, phải chuẩn bị ruột, chi phí cao.

Nội soi đại tràng là phương pháp được các bác sĩ ưu tiên khuyến cáo hiện nay, giúp thấy được tổn thương giai đoạn sớm, có thể cắt polyp điều trị trước nguy cơ ung thư. Chi phí kỹ thuật này thường cao, phụ thuộc tay nghề bác sĩ thực hiện.

Nhóm nguy cơ cao như gia đình có người mắc ung thư đại tràng, polyp đại tràng, bệnh viêm loét đại tràng, nên tầm soát nội soi đại tràng từ 40 tuổi, trong vòng 10 năm kể từ khi người nhà bị ung thư đại tràng, hoặc theo biểu hiện của bệnh viêm loét đại tràng. Nếu tầm soát không có polyp, thực hiện định kỳ mỗi 5 năm.

Người nguy cơ thấp, không có triệu chứng báo động, nên tầm soát nội soi đại tràng từ 45 tuổi. Nếu tầm soát không có polyp, định kỳ mỗi 10 năm.

Nếu có polyp, bác sĩ sẽ phân loại polyp tăng sản (không có nguy cơ ung thư) hay polyp tuyến ống (có nguy cơ phát triển thành ung thư sau này). Bệnh nhân được đánh giá kết quả sinh thiết và kích thước polyp, thời gian nội soi kiểm tra lại có thể từ 6 tháng tới một hoặc 3 năm.

   

PV (TH)