Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi: Cần xem xét mở rộng thẩm quyền công chứng về giao dịch bất động sản

Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản thay vì giới hạn trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh như hiện nay.

Chiều 17/6, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự Luật Công chứng sửa đổi. Theo Điều 41, công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở. Quy định này kế thừa Luật Công chứng hiện hành.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) đề nghị xem xét chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Theo Ủy ban, chưa có nghiên cứu hay số liệu cụ thể nào chứng minh mức độ thiếu an toàn nếu công chứng viên chứng nhận giao dịch bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức của mình đặt trụ sở.

Trong khi đó, quy định về phạm vi đơn vị hành chính có bất động sản được công chứng đã gây bất tiện trong nhiều giao dịch. Đơn cử như giao dịch phân chia di sản thừa kế, thế chấp, cho thuê khi bất động sản nằm rải rác ở địa phương khác nhau.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và đang dần đưa vào khai thác. Cơ sở dữ liệu công chứng, công chứng điện tử cũng dự kiến được áp dụng, dần xóa bỏ rào cản về địa lý bằng các giải pháp công nghệ.

Ủy ban Pháp luật đánh giá việc giới hạn thẩm quyền công chứng trong phạm vi đơn vị hành chính sẽ "gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, không còn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số".

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi cũng bổ sung quy định về đào tạo nghề công chứng; thời gian tập sự hành nghề công chứng; quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi và một số quy định cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Với tổ chức hành nghề công chứng, dự luật sửa đổi theo hướng tăng kiểm soát của nhà nước. Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh. Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nhằm bảo đảm sự ổn định và phân bố hợp lý các cơ sở công chứng...

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung: Xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng...

về công chứng điện tử

Dự thảo Luật cũng bổ sung 4 điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng.

Trong đó, tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề: Xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; Đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để có cơ sở thực hiện theo lộ trình;

Bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ nên giao Chính phủ thực hiện thí điểm công chứng điện tử, trên cơ sở đó tiến hành tổng kết thực tiễn làm cơ sở luật hóa nội dung này.

   

PV (TH)