Linh vật rồng xuất hiện trên nhiều dòng gốm sứ Việt cổ, trải nhiều thời kỳ: Đồ gốm thời Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê trung hưng, thời Nguyễn.
Tượng đầu rồng bằng đất nung trang trí đầu nóc mái, thời Lý, thế kỷ XI - XII, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ
Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (long, lân, qui, phụng). Theo sách "Thuyết văn giải tự", trong 389 loài bò sát có vảy, rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song. Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, của phương Đông và của mùa xuân.
Nắp hộp, gốm men lục, trang trí rồng mây, thời Lý, thế kỷ XI, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Rồng còn tượng trưng cho sự tiến bộ, sung túc và thịnh vượng. Dưới thời quân chủ, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.
Trong văn hóa Việt Nam, rồng cũng đứng đầu tứ linh, tượng trưng cho sự cao quý, linh thiêng, vương quyền, điềm lành và sự phồn thịnh. Người Việt cổ tự nhận mình là “con Rồng, cháu Tiên”, coi rồng là vật tổ, là linh thú bảo trợ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ấm no hạnh phúc.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông căn dặn con cháu nhà Trần phải “thích hình rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc" (Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, NXB Mỹ thuật, 2003, tr. 114).
Hình tượng rồng hiện diện trong văn hóa Việt Nam từ rất sớm. Trên các hiện vật bằng đồng của văn minh Đông Sơn, như thạp đồng Đào Thịnh, qua đồng Núi Voi, rìu lưỡi xéo Đông Sơn, khóa thắt lưng Ninh Bình… đã xuất hiện các hình rồng cách điệu từ hình tượng cá sấu.
Đặc biệt, rồng xuất hiện trên nhiều dòng gốm sứ Việt cổ, trải nhiều thời kỳ: Đồ gốm thời Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê trung hưng, thời Nguyễn. Rồng cũng được trang trí trên đồ sứ ký kiểu từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn, với nhiều chủ đề, đồ án, mang dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị.
Phong phú về thể loại
Về thể loại, rồng trên gốm Việt rất phong phú: Tượng rồng bằng gốm, ngói lợp gắn hình rồng, phù điêu trang trí hình rồng, chi tiết kiến trúc và trang trí hình rồng, họa tiết rồng trang trí trên đồ gốm…
Khi khai quật Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng ngàn hiện vật bằng đất nung, như: Tượng đầu rồng trang trí đầu nóc mái, ngói lợp góc mái hình đầu rồng, ngói úp nóc gắn lá đề trang trí rồng, ngói ống lợp diềm mái gắn lá đề trang trí hình rồng... có niên đại vào thế kỷ XI - XI; ngói ống phủ men lục, tạo hình rồng, niên đại vào thế kỷ XV. Ngoài ra, còn có những hộp gốm men lục trang trí hình rồng uốn lượn trong hình tròn…
Rồng trang trí trên hũ gốm hoa lam, thời Lê sơ, thế kỷ XV, Bảo tàng Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Cũng trong Hoàng Thành - Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều chồng bát, đĩa, tước… trang trí hình rồng bằng màu lam dưới lớp men phủ, niên đại vào thế kỷ XV - XVI (thời Lê), cùng những chân đèn, bát nhang, lư trầm bằng gốm thời Mạc có trang trí hình rồng đắp nổi, bao quanh hiện vật, bằng men nâu hoặc men chàm…
Sang thời Nguyễn, xuất hiện kiểu phù điêu đắp nổi hình “rồng mặt nạ”, rồng ngậm đồng tiền (long hàm kim tiền), rồng ngậm chữ Thọ (long hàm thọ)… bằng gốm nhiều màu, ở đầu hồi điện Ngưng Hy và một số công trình kiến trúc ở lăng vua Đồng Khánh (Tư lăng).
Về đề tài, rồng trên đồ gốm thời Lý - Trần thường được trang trí với các hình mây (long vân), viên ngọc (long châu), mặt trời (lưỡng long triều nhật)…
Rồng trên đồ gốm thời Lê thường được vẽ kèm các họa tiết hoa cúc, tia lửa, mây (tản vân), hay các kiểu thức dây lá (triền chi). Rồng trên đồ gốm thời Mạc thường là kiểu “rồng yên ngựa”, hay được thể hiện cùng chim phượng (long phụng), mặt trời, hoa lá cúc, dây lá cách điệu...
Rồng thời Nguyễn thì chủ yếu được vẽ kèm các linh vật trong tứ linh (lân, phụng, quy), mặt trời, mây, chữ Thọ, tam sơn thủy ba, hồi văn cẩm quy…
Họa tiết rồng trên gốm
Về tạo hình, rồng trên gốm Việt đôi khi là những tác phẩm nghệ thuật độc lập, như tượng rồng trong kiến trúc Hoàng Thành Thăng Long, có lúc là các chi tiết trang trí trên bộ mái, đầu hồi, đầu đao của các cung điện.
Nhưng phổ biến nhất vẫn là các họa tiết rồng trang trí trên các đồ gốm tế tự và gia dụng, vẽ bằng men nâu và men lục (thời Lý - Trần), men đỏ (thời Lê), mạ vàng (thời Lê), men lam Hồi (từ thời Lê đến thời Nguyễn)...
Ngói ống tạo hình rồng, men lục, thời Lê sơ, thế kỷ XV, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Rồng trên đồ gốm thời Lý - Trần thường được vẽ trên cốt làm bằng đất mộc, rồng trên đồ gốm thời Lê - Nguyễn thường được vẽ bằng bút lông dưới lớp men phủ, rồng trên đồ gốm thời Mạc thường được đắp nổi trên thân hiện vật…
Rồng trên đồ gốm thời Lý có thân hình dài của một con rắn, luôn được bố cục theo kiểu lượn sóng hình sin kéo dài từ đầu đến đuôi. Rồng trên đồ gốm thời Trần tuy vẫn mang dáng vẻ của rồng thời Lý, nhưng có thân ngắn hơn, mào lửa ở đầu mũi rồng, tóc và râu đều ngắn hơn rồng thời Lý.
Rồng trên đồ gốm thời Lê đã mang dáng vóc uy nghi, ảnh hưởng từ rồng thời Minh của Trung Hoa, và bắt đầu thể hiện biểu trưng của vương quyền. Rồng trên gốm thời Mạc thì mảnh mai, khác biệt hoàn toàn với các kiểu thức rồng trên đồ gốm của các thời kỳ trước và sau thời Mạc.
Rồng trên đồ gốm thời Nguyễn dường như là sự sao chép từ một khuôn mẫu chung, xuất hiện trên rất nhiều trên các công trình kiến trúc và trang trí ở kinh đô Huế, với nhiều chất liệu khác nhau: Đồ gỗ, pháp lam, đồ dệt, đồ giấy… với tính chất uy nghi, đường bệ của một triều đại quân chủ trung ương tập quyền.
(theo LĐO)