Tranh luận về thói quen rẽ phải khi đèn đỏ ở TP.HCM, người cho rằng đi là đúng, người cho rằng sẽ bị CSGT phạt.
Thói quen rẽ phải khi đèn đỏ ở TP.HCM của người đi xe máy thời gian qua mang lại những chuyện dở khóc dở cười. Nhiều người mặc định: ở TP.HCM xe máy được quyền rẽ phải khi đèn đỏ mà không bị CSGT phạt, số còn lại cho rằng phải chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Một số người mặc định xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ bấm còi inh ỏi mỗi khi thấy phương tiện phía trước dừng xe sát lề phải, thậm chí đã có lời qua tiếng lại trong những tình huống trên.
Người tham gia giao thông chỉ được rẽ phải khi đèn đỏ trong 4 trường hợp-Vũ Phượng
Phía dưới các bài đăng gây tranh cãi, có những người khẳng định không có chuyện xe máy được mặc định rẽ phải khi đèn đỏ và kể chuyện chính bản thân từng bị CSGT TP.HCM lập biên bản vì lý do trên.
Trả lời PV, lãnh đạo Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) dẫn chứng, theo khoản 3 Điều 10 luật Giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông có ba màu là: xanh, đỏ, vàng.
Trong đó, màu xanh là được đi; màu đỏ là cấm đi; màu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
"Do vậy, người tham gia giao thông chỉ được rẽ phải khi đèn đỏ nếu tại giao lộ đó có biển phụ hoặc đèn báo riêng cho xe được phép rẽ. Những người dừng chờ đèn đỏ cần chú ý đèn để chọn nơi dừng để tránh cản trở dòng xe được phép rẽ trái hoặc phải khi các pha đèn này màu xanh", lãnh đạo PC08 chia sẻ.
Đèn đỏ được rẽ phải khi nào?
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho biết, suy nghĩ mặc định đèn đỏ xe máy được rẽ phải là thói quen sai lầm, vi phạm luật giao thông và sẽ bị CSGT thổi phạt.
Theo vị lãnh đạo này, người tham gia giao thông chỉ được rẽ phải ở 1 trong 4 trường hợp sau:
Thứ nhất, có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải. Ngoài ra, khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.
Đi xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng, tước bằng lái 1 - 3 tháng-Vũ Phượng
Thứ hai, có biển báo phụ hoặc đèn tín hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải. Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu, có nền xanh chữ trắng có ghi nội dung cho các phương tiện được phép rẽ phải. Còn đèn tín hiệu phụ có hình mũi tên xanh. Cả 2 thường được lắp ngay bên dưới hoặc bên cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường để người tham gia giao thông dễ dàng quan sát thấy.
Thứ ba, vạch mắt võng kết hợp có kết hợp mũi tên chỉ dẫn rẽ phải. Vạch kẻ kiểu mắt võng có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường đi. Vạch này được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng xe trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Người lái xe khi đi trên vạch mắt võng này có mũi tên chỉ dẫn rẽ phải thì buộc phải rẽ phải, không được dừng hay đỗ xe.
Thứ tư, tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông. Trong trường hợp này, người đi xe sẽ được rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.
Tuy nhiên, người lái xe cần lưu ý dù ở bất kỳ trường hợp nào vẫn luôn phải chú ý quan sát, làm chủ tay lái và tốc độ, nhường đường cho người đi bộ.
Người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, đồng thời, bị tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.
PV (TH)