Với quyết tâm xóa những điểm đen về rác của chính quyền địa phương cùng với sự chung tay của người dân, nhiều bãi rác biến thành công viên, khu vui chơi.
Từ năm 2019, khi thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, mỹ quan đô thị của TP nói chung và của từng địa phương nói riêng đã có sự thay đổi rõ rệt.
Việc cải tạo những bãi rác biến thành công viên, điểm vui chơi giải trí đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng đang trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp tại TP.HCM.
Từ bãi rác biến thành công viên
Ghi nhận của PV tại hẻm 1041 đường Trần Xuân Soạn, quận 7, trước đây nơi này từng là một bãi rác tự phát, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm mất mỹ quan đô thị. Nay nơi này từ bãi rác biến thành công viên, là nơi sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Từ bãi rác biến thành công viên để mọi người đến vui chơi. Ảnh: HT
Bà Lê Ngọc Thanh (ngụ quận 7) cho biết trước đây ở khu vực này nhếch nhác lắm. Rác thải đủ loại, rác sinh hoạt thì ít mà quần áo, rác khó phân hủy thì nhiều. Chưa kể ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở, nếu không cải tạo mảnh đất này sớm thì tình trạng ô nhiễm sẽ còn nặng hơn nữa.
Đang tập thể dục tại công viên, bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ quận 7) chia sẻ: “Từ ngày mảnh đất trống này và bãi rác biến thành công viên, mọi người trong xóm có nơi để tụ họp. Bọn trẻ có chỗ vui chơi, người già có nơi tập thể dục. Nhìn công viên thoáng mát, sạch đẹp, mọi người cũng có ý thức hơn rất nhiều, luôn giữ gìn công viên sạch đẹp, không vứt rác bừa bãi”.
Trước Tết Nguyên đán 2024, tại khu phố 5, UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công viên cây xanh, điểm tập thể dục thể thao phục vụ người dân nơi đây.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Tuyết Lan (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) cho biết trước đây công viên này là một bãi đất trống, do không ai trông coi nên nhiều người cứ vô tư đổ rác, lâu ngày nơi đây thành một bãi rác to. Người dân ở gần đây cũng thường xuyên dọn dẹp nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Từ khi Nhà nước có chủ trương biến bãi rác biến thành công viên, người dân phấn khởi lắm.
“Sáng nào người dân cũng đến công viên tập thể dục vui lắm. Mong rằng những công trình như thế này được nhân rộng để người dân TP được hưởng môi trường xanh, sạch” - bà Lan nói.
Tại công viên cây xanh, anh Quách Văn Hiền đang tưới cây, chăm những chậu hoa vừa được trồng.
Anh Hiền cho biết từ khi có công viên này, ngày nào anh cũng đến đây tưới nước, chăm cây để tạo mảnh xanh cho công viên. “Tôi nghĩ Nhà nước xây dựng công viên này mục đích cũng để phục vụ người dân nên người dân cũng phải có trách nhiệm giữ gìn” - anh Hiền nói.
Kinh phí từ sự đóng góp của người dân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận 7, cho biết công viên tại hẻm 1041 đường Trần Xuân Soạn (khu Đại Thắng, khu phố 5) trước đây là khu vực đất trống. Khu đất này thường xuyên phát sinh rác do nằm tại vị trí khó giám sát.
Khu đất ẩm thấp, cỏ dại, cây cối mọc um tùm, dễ phát sinh cháy vào mùa khô. Một phần ý thức của người dân kém, không giữ gìn vệ sinh môi trường, thường đem rác đến bỏ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn phức tạp về tình hình trật tự, an toàn xã hội và dễ phát sinh lấn chiếm.
Sau đó, UBND phường Tân Hưng đã ban hành kế hoạch về việc cải tạo khu đất thành mảng xanh chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận 7.
“UBND phường đã phân công cụ thể nhiệm vụ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện và quản giữ công trình. Kinh phí thực hiện công trình 100% từ vận động đóng góp với số tiền hơn 370 triệu đồng. Công trình đã thay đổi thành khu vực mảng xanh kết hợp với dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, góp phần tạo mỹ quan đô thị trên địa bàn phường và là nơi thư giãn, luyện tập thể dục thể thao trong khu dân cư” - ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, hiện nay khu vực này đã được bàn giao cho cấp ủy, ban điều hành và nhân dân khu phố 5 chịu trách nhiệm quản giữ, chăm sóc.
Ông Nguyễn Hải Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, cho biết công viên cây xanh, thể dục thể thao rộng hơn 950 m2 trước đây là khu đất công bỏ trống, cỏ cây mọc và đặc biệt là tình trạng đổ rác không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức ra quân tổng vệ sinh và áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng rác thải tại nơi đây.
“Nay khu đất này được san lấp mặt bằng, tráng bê tông, trồng hơn 100 cây xanh, đặt ghế đá và lắp đặt máy tập thể dục ngoài trời cho người dân luyện tập. Toàn bộ kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng, do phường vận động từ các mạnh thường quân và nhân dân tại khu phố đóng góp” - ông Lâm thông tin.
“Sáng nào người dân cũng đến công viên tập thể dục vui lắm. Mong rằng những công trình như thế này được nhân rộng để người dân TP được hưởng môi trường xanh, sạch.” Bà Nguyễn Tuyết Lan (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12)
Nhà nhà trồng cây, cải thiện cảnh quan môi trường Chúng tôi luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm rất ý nghĩa, quan trọng, góp phần điều hòa khí hậu, cải thiện cảnh quan môi trường, làm đẹp cảnh quan, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ đó, UBND phường Tân Thới Nhất đã ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024. Theo đó, các đơn vị, cán bộ, viên chức trên địa bàn phường đã tích cực hưởng ứng, hăng hái triển khai thực hiện việc trồng cây xanh, hoa, cây cảnh tại trụ sở cơ quan, văn phòng khu phố, tại khu vực làm việc và tại nhà. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức vận động các cơ sở giáo dục, cơ sở tôn giáo, cá nhân, doanh nghiệp... trên địa bàn phường trồng cây xanh trên tinh thần mỗi người tham gia trồng cây để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phường cũng đã thực hiện việc xóa bỏ điểm đen về rác tại một số khu vực bằng cách trang trí vẽ tranh nghệ thuật, trồng hoa tại những bức tường nơi thường xuyên bị xả rác bừa bãi. Ông NGUYỄN HẢI LÂM, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 |
(theo PLO)