Trồng rau rừng đặc sản, một nông dân Bình Định chăm nhàn tênh, bán đắt hàng

Trên 4 sào đất lúa kém hiệu quả, anh Nguyễn Bảo Toàn, thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã mạnh dạn trồng các loại rau rừng đặc sản như: Chòi mòi, ngành ngạnh, sung, sao nhái, xá xị, cóc, lộc vừng,… bán đắt hàng, thu về gần tiền triệu mỗi ngày

Theo anh Toàn, trước đây kinh tế của gia đình anh và nhiều người dân nơi đây vẫn bấp bênh bởi điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp dẫn đến lúa kém phát triển, năng suất thấp. Ngoài thời gian đồng áng, kinh tế gia đình anh còn dựa vào nghề tay trái là hái rau rừng để kiếm thêm thu nhập.

Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn rau rừng sạch ngày càng lớn, đồng thời để chủ động nguồn rau cung cấp cho các quán ăn, cửa hàng quanh năm mà không lệ thuộc vào cây thiên nhiên, đầu năm 2022 anh Toàn đã lặn lội tìm kiếm, bứng từng cây rau rừng về thuần hóa trên đất ruộng. Sau 5 tháng trồng, vườn rau rừng ngày càng xanh tốt, được các thương lái ở thành phố Quy Nhơn đến thu mua trực tiếp với giá cả ổn định.

Anh Nguyễn Bảo Toàn, thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có thu nhập cao từ trồng các loại rau rừng.

Anh Toàn cho biết: Rau rừng ở đây vốn là những loại cây hoang dã nên chịu được môi trường khắc nghiệt, ít gặp sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần giữ độ ẩm tốt là cây tự sinh trưởng và phát triển. Đáng chú ý cây ra lá và đọt quanh năm, càng thu hoạch cây càng bung nhiều đọt, sản lượng thu hoạch năm sau luôn cao hơn năm trước.

Chỉ 4 sào đất với gần 400 gốc cây rau rừng, trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch từ 20 - 30 kg lá, với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cho thu nhập 500.000 – 900.000 đồng/ngày.

Mô hình trồng rau rừng của anh Nguyễn Bảo Toàn đã đạt giải 3, cuộc thi Nông dân khởi nghiệp sáng tạo năm 2022 do Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức.

Bà Trần Thị Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: Vừa qua, mô hình trồng rau rừng của anh Nguyễn Bảo Toàn đã đạt giải Ba của cuộc thi Nông dân khởi nghiệp sáng tạo năm 2023 do Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức. Có thể nói thành công từ mô hình trồng rau rừng đã mở ra một hướng canh tác mới cho bà con xã An Hòa. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản rau rừng của huyện vùng cao An Lão. Hiện nay, Hội đang hỗ trợ xây dựng OCOP cho sản phẩm rau rừng, cũng như vận động nhân dân nhân rộng để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

PV (TH)