Bỏ xe vi phạm nồng độ cồn cũng phải đóng phạt

Cho rằng mức phạt quá cao nên một số người vi phạm nồng độ cồn từ bỏ nhận lại xe, đây là suy nghĩ sai lầm vì người vi phạm vẫn phải thực hiện quyết định xử phạt, nếu không làm sẽ bị cưỡng chế.

Bị phạt thì bỏ luôn xe cũ, mua xe mới

Tối 21.1, CSGT TP.Thủ Đức (TP.HCM) lập chốt kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại giao lộ D2 - D7 trong Khu công nghệ cao TP.HCM, phát hiện B.C (42 tuổi) có dấu hiệu vi phạm luật Giao thông đường bộ nên dừng xe kiểm tra.

Rất nhiều xe vi phạm bị tạm giữ nhưng người vi phạm không đến nhận lại xe,TRẦN DUY KHÁNH

Theo đó, ông B.C có nồng độ cồn trong máu hơn 0,4 mg/l khí thở. Ông B.C bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị tạm giữ xe máy. Sau khi ký biên bản, ông B.C cho biết sẽ bỏ luôn xe máy vi phạm vì giấy tờ xe đã mất trước đó.

Trao đổi với Phóng viên, anh N.V.T (30 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết vừa bỏ luôn xe máy cũ của mình vì bị CSGT tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn. Anh T. làm công nhân trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Cách đây hơn 1 tháng, anh tham gia tiệc của công ty và có uống bia, rồi chạy xe máy về nhà. Trên đường đi, anh T. bị CSGT phát hiện có nồng độ cồn và tạm giữ xe.

Bỏ xe 'cà tàng', xe vi phạm lỗi nồng độ cồn, bị phạt như thế nào?

Về nguyên nhân bỏ xe, anh T. lý giải rằng do xe máy của anh đã sử dụng 14 năm, xuống cấp trầm trọng, hiện giá trị chỉ khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, anh vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất thì mức xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng và tạm giữ bằng lái xe 24 tháng.

Tương tự, nhiều công nhân, lao động phổ thông đã quyết định bỏ xe máy khi bị CSGT lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Hơn 128.000 trường hợp "dính" nồng độ cồn

Liên quan đến vấn đề này, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua, CSGT TP.HCM đã thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là xử lý liên quan nồng độ cồn.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn-TRẦN DUY KHÁNH

Trong năm 2023, CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý hơn 651.000 trường hợp vi phạm; trong đó tạm giữ hơn 1.500 ô tô, hơn 153.00 mô tô, xe máy và hơn 1.280 xe 3, 4 bánh. Trong số các trường hợp vi phạm, hơn 128.000 trường hợp điều khiển ô tô, mô tô vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm hơn 19% tổng số vi phạm về giao thông).

Cũng theo thượng tá Hà, mức phạt vi phạm nồng độ cồn tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe. Vì thế, không ít người vi phạm nồng độ cồn đã bỏ luôn phương tiện khi bị CSGT tạm giữ.

Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, các trường hợp bỏ luôn phương tiện vi phạm là những người điều khiển xe máy cà tàng, xe ba gác và vi phạm nồng độ cồn. Thời gian qua, CSGT TP.HCM thực hiện kiểm soát, xử lý người uống rượu bia rồi lái xe tham gia giao thông. Chính vì vậy tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử phạt tăng lên.

Đa phần những người vi phạm nồng độ cồn chấp hành nghiêm khi bị kiểm tra, nhưng vẫn có một số trường hợp tìm mọi lý do để không hợp tác. Các trường hợp này đa phần là người lao động phổ thông. "Họ đi xe máy cũ, khi bị kiểm tra thì không chịu thổi vào máy đo, không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe. Có trường hợp khi bị dừng xe kiểm tra thì tuyên bố bỏ xe, tặng xe cho CSGT rồi bỏ đi", một cán bộ CSGT TP.HCM cho biết thêm.

Bỏ xe cũng phải đóng phạt

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nhận xét: "Hiện nay, khi bị lập biên bản tạm giữ xe do vi phạm, vì mức xử phạt cao hơn giá trị xe nên người vi phạm bỏ luôn xe, đây là suy nghĩ sai lầm". Bởi việc bỏ phương tiện lại, trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp (điều 78 luật Xử lý vi phạm hành chính). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo điều 86 luật này.

Cụ thể, người vi phạm sẽ bị khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản. Người vi phạm còn có thể bị kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị thu tiền, tài sản khác do cá nhân, tổ chức khác đang giữ, trong trường hợp cố tình tẩu tán tài sản.

Ngoài ra, theo LS Hậu, tại khoản 15 điều 3 Thông tư 24 năm 2023 của Bộ Công an, người vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.

Theo điểm d khoản 1 điều 3 luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu sau này người vi phạm vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

  (theo thanhnien.vn)