Về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự đòi lại tài sản

Điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ mà bên được tặng cho phải thực hiện trước hoặc sau khi nhận tài sản tặng cho.

Thông thường, điều kiện tặng cho do bên tặng cho đưa ra và được sự chấp thuận của bên được tặng cho. Việc xác định điều kiện tặng cho phụ thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, các bên không được phép thỏa thuận điều kiện mà vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện tại Điều 462 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và đề xuất, kiến nghị.

Ảnh minh họa.

Hợp đồng dân sự xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực đời sống xã hội của con người. Tặng cho tài sản là một trong những giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Mặc dù vậy nhưng vẫn còn không ít các chủ thể chưa xác định đúng hoặc không hiểu rõ về các đặc điểm pháp lý của loại hợp đồng tặng cho nhất là đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện.

Trong đời sống xã hội, việc tặng cho bao gồm cả việc tặng cho tài sản giữa cá nhân với cá nhân và việc tặng cho người khác tài sản hợp pháp của mình là chuyện bình thường. Về mặt pháp luật, việc tặng cho tài sản có thể bằng hình thức hợp đồng, cũng có thể là hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu tài sản làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự đối với bên tặng cho tài sản và đối với bên nhận tài sản tặng cho. Tài sản tặng cho, có thể là bất động sản hoặc là động sản. Trường hợp đồng tặng cho tài sản được lập thành văn bản thì gọi là hợp đồng tặng cho tài sản (HĐTCTS). HĐTCTS lại có hai trường hợp khác nhau, gồm: (1) HĐTCTS có điều kiện (2) và HĐTCTS không có điều kiện.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự được quy định tại Điều 462 BLDS năm 2015 và đề xuất, kiến nghị.

Thực trạng giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTCTS có điều kiện

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp HĐTCTS có điều kiện, nhận thấy việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh điều kiện ghi hoặc không ghi rõ trong HĐTC là rất khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà điều kiện tặng cho thường được các bên lập thành một văn bản thỏa thuận riêng mà không ghi rõ trong HĐTC. Đến khi, bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì các bên mới dẫn đến tranh chấp tại Tòa án.

Hiện nay, để giải quyết HĐTCTS có điều kiện này, ngoài Điều 462 BLDS, Tòa án còn áp dụng Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng (Án lệ số 14/2017/AL). Thực tiễn cũng cho thấy đối với các HĐTCTS có điều kiện, đặc biệt liên quan đến đất đai, nhà ở, HĐTC được công chứng theo mẫu HĐTC được soạn sẵn tại Văn phòng/Phòng công chứng nên không thể hiện đầy đủ được điều kiện tặng cho có nội dung như thế nào. Thậm chí, trường hợp nếu các bên có yêu cầu Công chứng viên ghi rõ điều kiện tặng cho trong HĐTC nhưng điều kiện đó không đúng quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội cũng không được Công chứng viên ghi vào trong hợp đồng.

Ngoài ra, không ít trường hợp, điều kiện tặng cho được bên tặng cho thể hiện bằng “miệng” cho bên được tặng cho, nên khi dẫn đến tranh chấp, Tòa án rất khó thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, trừ khi các bên thừa nhận điều kiện tặng cho bằng miệng này.

Bản án dân sự số 149/2021/DS-PT ngày 11/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau, về việc tranh chấp HĐTCTS có nêu

Bà T, chị T và anh T cũng xác định sau khi được tặng cho đất, thì vợ chồng chị T cũng đã nhận nuôi bà T; đồng thời bà T và chị T cũng thừa nhận tất cả các con bà T đều biết sự việc này, và chấp nhận chị T phụng dưỡng bà T đến cuối đời. Như vậy, cần khẳng định: Việc tặng cho hết tài sản của bà T đối với chị T là đã có sự đồng thuận thống nhất của các bên, kể cả các con còn lại của bà T về việc chị T phải phụng dưỡng bà T đến cuối đời. Mặc dù trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của bà T đối với chị T không ghi có điều kiện nuôi dưỡng, nhưng xét lời trình bày của các bên đương sự, xác định các con trong gia đình, cho thấy giao dịch trên đã tồn tại mục đích giao dịch dân sự có điều kiện: Bà T cho hết tài sản cho chị T, bà T sẽ được phụng dưỡng đến cuối đời. Như vậy, cần xác định giao dịch giữa các bên là có điều kiện, phù hợp với các Điều 120, Điều 121 Điều 462 BLDS. Nay, bà T quyết định không sống với vợ chồng chị Tnữa, bà T cũng không kiện đòi lại hết tài sản đã tặng cho, bà T chỉ kiện đòi chị T, anh T trả lại số tiền 150.000.000 đồng là chưa đến ½ giá trị phần đất 4.445m2 là có cơ sở. Điều này cũng phù hợp với Án lệ số 14/2017/AL ngày 14/12/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” [1].

Còn tiếp

(Ban PL tổng hợp)